Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Sau một năm thi công, dự án Xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đạt hơn 50% tổng khối lượng, đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào dịp 30-4-2025.

image2-14-5020.jpeg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các sở ngành tiến hành kiểm tra tiến độ thi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng 17-2, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các sở ngành tiến hành kiểm tra tiến độ và chúc tết kỹ sư, công nhân thi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Duơng, Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Báo cáo tiến độ tại hiện trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, hiện dự án đang triển khai thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên, một số nơi chưa bàn giao mặt bằng, ban kiến nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan tháo gỡ vướng mắc bàn giao mặt bằng để triển khai thi công trên địa bàn quận Bình Tân, Tân Bình, 12 và huyện Bình Chánh.

image0-45-4382.jpeg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chúc tết và lì xì cho các kỹ sư, công nhân đang thi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ban cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP sớm xem xét tham mưu trình UBND TPHCM chấp thuận bãi đổ bùn, đất nạo vét lòng kênh để chủ đầu tư có cơ sở pháp lý triển khai thi công các hạng mục công trình như đào nền đường, hố móng, hào kỹ thuật, hệ thống thoát nước. Ngoài ra, nguồn cung ứng cát cho dự án cũng đang gặp khó khăn.

Báo cáo tiến độ thực hiện dự án, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, Toàn tuyến dài gần 32 km, đi qua các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh. Công trình có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, được khởi công cuối tháng 2-2023. Dự án được xây kè bê tông hai bờ, nạo vét lòng kênh và làm đường rộng 7-12m mỗi bên. Đồng thời, dự án làm 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền, 3 cây cầu, cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh... Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư), dự án chia làm 10 gói thầu xây lắp. Sau khoảng 1 năm thi công, tổng khối lượng dự án đạt hơn 50%. Trong đó, hạng mục xây dựng bờ kè đạt gần 49% khối lượng.

image2-13-9709.jpeg
Công trình Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo ông Dũng, hiện dự án còn gặp một số khó khăn về mặt bằng. Trong đó, tại gói thầu xây lắp số 1 đoạn qua phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) vẫn còn 3 hộ dân chưa được đền bù giải tỏa. Ngoài ra, nhiều khu vực đã thu hồi mặt bằng nhưng bị các hộ dân tái lấn chiếm. Nhiều nhất là đoạn qua quận Bình Tân với 224 trường hợp, quận 12 có 14 trường hợp, huyện Bình Chánh có 2 trường hợp và quận Tân Bình có 1 trường hợp. Chủ đầu tư kiến nghị UBND các quận, huyện liên quan hỗ trợ vận động người dân tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Dự án cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý bãi tiếp nhận đất, bùn trong quá trình thi công. Việc thiếu nguồn vật liệu cát san lấp, cát xây dựng nếu không sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng đến tiến độ.

img-7495-3641.jpg
Tiến độ thi công đang được đẩy nhanh đồng loạt các gói thầu. Ảnh: QUỐC HÙNG

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo: Về nguồn cát, nhà thầu phải chủ động tìm nguồn rồi TP sẽ hỗ trợ, không thể lấy lý do thiếu cát mà làm chậm tiến độ. Trong quá trình thực hiện, nếu xuất hiện khó khăn cần báo cáo UBND TPHCM để giải quyết gấp.

Với bùn thải ô nhiễm thì đưa về Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh), bùn có thể san lấp lại được thì tổ chức tạm tại chỗ, số còn lại đưa về Công viên Gò Vấp. Đặc biệt, chủ tịch các quận, huyện có dự án đi qua không để tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng đã bàn giao.

image0-46-3843.jpeg
Công nhân đang thi công tại dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đây là công trình lớn, quan trọng nên chủ đầu tư và các bên cần nỗ lực, ngay trong tuần sau các bên cần phải ngồi lại lên kế hoạch kỹ lưỡng để đảm bảo tiến độ đến 30-4-2025 khánh thành công trình. Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý, đó là mốc tiến độ nhưng không phải vì đó mà làm ẩu, kém chất lượng.

Tin cùng chuyên mục