Tại điểm cầu TPHCM có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về QHTTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những nội dung chủ yếu của quy hoạch được thể hiện qua 8 nội dung, trong đó nêu rõ quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021-2030, mục tiêu phát triển đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ. Ngay sau hội nghị này, Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện nghị quyết, trình Chính phủ ban hành.
Ngay sau hội nghị công bố và triển khai QHTTQG thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chủ trì hội nghị trực tiếp và trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, QHTTQG có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên định hướng QHTTQG đã được hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 17-11-2022. Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ. QHTTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước). Do đó, việc QHTTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó phải quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị. “Triển khai Nghị quyết số 81 của Quốc hội phải với tư duy mới, tầm nhìn mới để tìm kiếm không gian, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ TN-MT chủ trì tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến bố trí không gian phát triển theo quy hoạch để phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Vấn đề quan trọng nhất là đất đai phải được sử dụng hiệu quả, khả thi, không được để “treo”, không để người dân bức xúc.
Phát biểu tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đến nay chưa hoàn thành lập quy hoạch để trình Thủ tướng, thành phố nhận khuyết điểm về việc chậm trễ. Nguyên nhân thời gian đầu là do dịch Covid-19, giai đoạn sau là do việc triển khai chậm. Quá trình thực hiện TPHCM thấy rằng quy trình đấu thầu phức tạp, thời gian quá dài, tư vấn ít nhưng nhu cầu nhiều; yêu cầu quy hoạch cao mà nguồn lực ngân sách có hạn. Có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn muốn đóng góp cho quy hoạch, nhưng quy định về tiếp nhận tài trợ cho công tác quy hoạch đang gặp khó khăn nên TPHCM chưa kêu gọi và sử dụng được nguồn lực này. Về tiến độ xây dựng quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, từ nay đến cuối năm 2023 phấn đấu hoàn thành trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, trình Bộ KH-ĐT đầu năm 2024, thông qua hội đồng thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch.