(SGGP).- Ngày 4-2, trong khi trực tiếp đi thị sát công tác thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn thủ đô.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra đường ray - hiện đã được lắp đặt xong trên tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VGP
Với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, các đơn vị đang bám sát tiến độ thi công tổng thể đã đề ra, đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp, trang trí hoàn thiện trong quý 1-2017, hoàn tất mua sắm, lắp đặt thiết bị trong tháng 7 và dự kiến sẽ đóng điện toàn tuyến chạy thử từ 1-9. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề cấp vốn kịp thời cho dự án, vì vậy lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng XNK Trung Quốc để tiến hành các thủ tục nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính cho dự án. Với tuyến Nhổn - ga Hà Nội, dự án đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu. Tổng giá trị các hợp đồng sau đấu thầu là 853,7 triệu Euro, tiết kiệm còn dư 104,3 triệu Euro so với tổng mức đầu tư. Hiện tổng khối lượng thực hiện của dự án này đạt khoảng trên 30%, dự kiến hoàn thành khai thác cuối năm 2021. Để tạo thuận lợi cho dự án triển khai, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét cho điều chỉnh cơ cấu nguồn vay ODA của dự án, đồng thời bố trí kế hoạch vốn ODA giai đoạn 2017 - 2020.
Chỉ đạo tại công trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cả hai tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đều chậm tiến độ so với mục tiêu ban đầu đề ra. Vì vậy, các bên liên quan cần tập trung quyết liệt triển khai để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho người dân tham gia giao thông trên đường, an toàn môi trường, đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình. Đặc biệt, cần chú trọng khâu chất lượng kiến trúc công trình, phải coi các nhà ga không chỉ là nơi đón, tiễn hành khách đi tàu mà còn là công trình văn hóa đậm đà bản sắc.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải tích cực, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các dự án về cơ chế, quy định pháp luật, các nguồn vốn, xử lý kỹ thuật… Bên cạnh đó, Hà Nội cần có cơ chế để huy động nguồn lực trong nước hoặc nước ngoài trong đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tiếp theo, thay vì chỉ vay vốn ODA, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia để vừa nâng cao được năng lực của các doanh nghiệp vừa nâng cao giá trị nội địa hóa, hơn nữa giá thành, mức đầu tư thấp hơn.
BÍCH QUYÊN