Chờ “giấy thông hành” để xuất cảnh
Lên kế hoạch thăm người thân ở Mỹ từ trước, nhưng đến nay chị Võ Hồng My (ngụ quận 7, TPHCM) vẫn chưa thể xuất cảnh do vướng yêu cầu phải có “hộ chiếu vaccine” từ nước sở tại.
Mới đây, nghe tin Việt Nam sẽ cấp “hộ chiếu vaccine” cho tất cả người dân đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, cả chị My và gia đình đều vui mừng.
“Dịch bệnh khiến cho kế hoạch thăm người thân của tôi liên tục bị gián đoạn. Tôi mong nhà nước sớm cấp hộ chiếu vaccine cho công dân để tôi có thể sớm đoàn tụ với người thân ở nước ngoài”, chị My bày tỏ.
Còn anh Lê Bá Trình (ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) lại đang mong chờ ngày hoàn thiện “hộ chiếu vaccine” để xuất cảnh sang Hàn Quốc. Anh Trình xuất cảnh theo diện xuất khẩu lao động.
Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc đã đưa Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia cần tăng cường kiểm dịch, miễn cách ly y tế 7 ngày khi nhập cảnh, nhưng vẫn bắt buộc phải có chứng nhận hoàn thành tiêm vaccine và âm tính với SARS-CoV-2.
Theo Bộ Y tế, “hộ chiếu vaccine” thực chất là ký xác nhận chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 điện tử.
Chứng nhận này được cấp theo tiêu chuẩn châu Âu để khi người dân nhập cảnh, hoặc di chuyển mà cần cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thì đây được coi như giấy thông hành, giúp người dân dễ dàng khi nhập cảnh các quốc gia khác.
Và đây là điều mà nhiều người dân mong chờ trong bối cảnh toàn cầu thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.
Thực tế, trong những ngày qua, sân bay Tân Sơn Nhất TPHCM đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại bởi những chuyến bay từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại nhờ những chính sách nới lỏng các quy định phòng dịch.
Đã có nhiều người Việt Nam có thể ra nước ngoài đi du lịch, thăm người thân, xuất khẩu lao động, du học…; và cũng có nhiều người nước ngoài được đến Việt Nam với mục đích tương tự.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao, đến nay Việt Nam đã đạt thỏa thuận công nhận “hộ chiếu vaccine” lẫn nhau với 19 nước, gồm: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Belarus, Ấn Độ, Campuchia, Philippines, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Malaysia và Iran.
Đây được xem là “chìa khóa” để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch vốn đã bị đình trệ trong suốt 2 năm qua.
Sẵn sàng triển khai
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ TT-TT cùng với các đơn vị liên quan xây dựng chức năng trên nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 và các hệ thống liên quan phục vụ cho việc ký số và cấp “hộ chiếu vaccine”.
“Hộ chiếu vaccine” điện tử là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia trên thế giới.
Đến nay, các hệ thống đã sẵn sàng triển khai cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân.
Bắt đầu từ ngày 15-4, “hộ chiếu vaccine” sẽ được cấp cho người dân trên toàn quốc.
Nhằm bảo đảm lợi ích của người đã tiêm chủng, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng trên cả nước rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng Covid-19, nhập dữ liệu người dân tiêm chủng Covid-19 đầy đủ, chính xác lên hệ thống phục vụ cấp “hộ chiếu vaccine” và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Bộ Y tế, “hộ chiếu vaccine” được sử dụng kết hợp với giấy tờ định danh khác như căn cước công dân, hộ chiếu... Các thông tin định danh không được đóng gói trong mã QR nhằm bảo mật, tránh sai sót, lộ, lọt thông tin cá nhân.
“Hộ chiếu vaccine” có thời hạn là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới. Người dân nhận “hộ chiếu vaccine” hiển thị trên ứng dụng PC-Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử.
Trường hợp không sử dụng 2 ứng dụng trên, người dân có thể tra cứu trên trang web của Bộ Y tế bằng cách nhập 4 thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu.
Đối với những người dân chưa được cấp do thiếu hoặc sai thông tin tiêm chủng, cần phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn), hoặc liên hệ trực tiếp cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, chỉnh sửa.
Trước đó, Bộ Y tế đã thí điểm cấp “hộ chiếu vaccine” cho những người đã tiêm vaccine Covid-19 tại 3 bệnh viện tuyến trung ương gồm Bệnh viện E, K và Bạch Mai (Hà Nội).
Còn tại TPHCM, Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên thí điểm cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân. Tính đến nay, đã có hơn 2.500 hộ chiếu vaccine được chứng nhận.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến ngày 11-4, Việt Nam đã tiêm chủng 208,5 triệu liều vaccine Covid-19; trong đó đạt độ bao phủ 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, 99% tiêm mũi 2 và khoảng 50% tiêm mũi 3.
Còn với người từ 12-17 tuổi cũng đã đạt 99% tiêm mũi 1 và 94% tiêm mũi 2. Hiện Bộ Y tế và các địa phương đang chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh và xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.
Bước 2: Sau khi các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm chủng chính xác thì sẽ ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa về hệ thống quản lý cấp chứng nhận “hộ chiếu vaccine”.
Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp “hộ chiếu vaccine”.
- Bạn đọc NGUYỄN VĂN HOÀN, Khu dân cư Nam Long, phường Tân Thuận Đông, quận 7: Tôi tiêm vaccine mũi thứ 3 nhưng chưa được xác nhận thông tin trên PC-Covid, khi triển khai “hộ chiếu vaccine” điện tử, có ảnh hưởng gì không?
Ông NGUYỄN BÁ HÙNG, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế: Việc chậm trễ xác nhận mũi tiêm cho người dân trên hệ thống là do cơ sở tiêm chủng chưa xác thực và kiểm tra thông tin phản ánh. Bộ Y tế đã hướng dẫn chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng sau khi nhận được phản ánh của người dân, cơ sở tiêm chủng sẽ phải rà soát, phản hồi và cập nhật bổ sung thông tin trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị chưa cập nhật bổ sung thông tin người dân phản ánh, khiến việc xác nhập và đồng bộ Hệ thống dữ liệu quốc gia còn nhiều khó khăn.
Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng xác nhận thông tin để sớm cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân. Trung tâm dữ liệu y tế sẽ cập nhật danh sách các đơn vị sai lệch thông tin tiêm chủng, thiếu thông tin mũi tiêm để xác nhận. Dự kiến sẽ hoàn thành xác nhận các mũi tiêm chưa được cập nhật trên hệ thống PC-Covid trước ngày 15-4. Bên cạnh đó, người dân cũng cần kiểm tra thông tin tiêm chủng trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc tra cứu trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia.
- NGUYỄN THỊ THỦY, TP Thủ Đức: Tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19 có được cấp “Hộ chiếu vaccine” điện tử không và thời hạn của “Hộ chiếu vaccine” là bao lâu?
Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế: “Hộ chiếu vaccine” điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng. “Hộ chiếu vaccine” là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử, do vậy người dân tiêm bao nhiêu mũi thì vẫn được cấp “Hộ chiếu vaccine”, trong đó sẽ có thông tin tiêm loại vaccine nào, bao nhiêu mũi. Thời hạn của “Hộ chiếu vaccine” điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.
- Bạn đọc Ngoc Vu (vuanhngoc1802@....): Tôi bị mất chứng nhận tiêm chủng bản giấy, có được cấp “hộ chiếu vaccine” điện tử không?
Nếu trên hệ thống đã có thông tin tiêm chủng Covid-19 thì người dân sẽ được cấp “Hộ chiếu vaccine” điện tử mà không cần bản giấy. Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin điện tử tiêm chủng Covid-19 hoặc ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.
Bạn đọc có thắc mắc về tình hình sức khỏe, cách phòng chống bệnh, vui lòng gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Khoa giáo - Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc qua email: thanhson@sggp.org.vn |