Dự án cấp nước chưa cho nước
Dự án hồ chứa nước Cà Ròn (ấp 3, xã Gia Canh, huyện Định Quán) diện tích hơn 173ha, dung tích mực nước dâng bình thường trên 3 triệu m3, có tổng mức đầu tư trên 454 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh được phê duyệt đầu tư năm 2015. Hiện công trình đang tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng, vướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng hơn 49,6ha và UBND huyện đang lập thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đang giữa mùa khô hạn nên anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1975, ở xã Gia Canh) phải dùng nước giếng khoan, bơm lên bể lắng khử phèn để tưới cho 2ha sầu riêng của gia đình. Anh Tuấn cho biết: “Hàng năm, từ tháng 11 đến tháng 5, thời tiết khô hanh, gia đình cần lượng nước rất lớn để tưới cây, giữ độ ẩm cho đất. Quanh khu vực có khoảng 700ha đất nông nghiệp và chỉ có dự án hồ nước Cà Ròn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Sống bên dự án thủy lợi mà đồng khô, người khát”.
Dự án sửa chữa, đào, nạo vét lòng hồ chứa nước suối Đầm (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) có vốn đầu tư gần 28 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019 và dự kiến hoàn thành trong tháng 5-2023 nhưng vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên vẫn chưa thể vận hành. Nhà anh Nguyễn Thành Tâm (SN 1974, ở ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm) sát ngay hồ chứa nước suối Đầm, cho biết, gia đình sống ở đây gần 30 năm, nhưng năm nào cũng thiếu nước vào mùa khô, nước dùng cho sinh hoạt phải mua ở cửa hàng tạp hóa, nước giếng khoan bơm lên dùng tưới cây và nay mực nước ngầm xuống thấp nên anh lo lắng, nếu nắng nóng kéo dài sẽ thiếu nước. Còn tại dự án hồ Xuân Quế (dung tích khoảng 4,8 triệu m3 để phục vụ tưới tiêu 500ha đất nông nghiệp, phục vụ sản xuất công nghiệp khoảng 5.000m3/ngày), vốn đầu tư khoảng 539 tỷ đồng và hồ Suối Cả (dung tích khoảng 5,5 triệu m3, phục vụ tưới tiêu 500ha đất nông nghiệp, phục vụ sản xuất công nghiệp khoảng 5.500m3/ngày), vốn đầu tư khoảng 514 tỷ đồng chưa thể triển khai thực hiện vì có kinh phí lớn; trong khi nguồn vốn đầu tư công được bố trí cho các dự án khác nên vẫn đang “đói” vốn.
Xây mới hàng loạt hồ chứa nước
Đồng Nai có 207.141ha đất nông nghiệp cần nước tưới nhưng đến nay, các công trình thủy lợi và công nghiệp tưới tiên tiến, tiết kiệm chỉ đáp ứng 41,25% diện tích. Trong khi đó, các công trình hồ chứa nước như: suối Đôi, suối Ran… xây dựng đã lâu nên xuống cấp nghiêm trọng và tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất trái phép tại các hồ sông Mây, hồ Bà Long, hồ Cầu Mới, hệ thống thủy lợi Ông Kèo... ảnh hướng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.
Để khắc phục tình trạng này, giai đoạn 2021-2030, tỉnh Đồng Nai dự kiến thực hiện đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp 292 công trình, kinh phí khoảng 28.162 tỷ đồng. Mới đây nhất, đầu năm 2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 08/KH-UBND, trong đó xây mới 12 hồ chứa nước tổng dung tích hơn 25 triệu m3, dự kiến cung cấp nước sạch khoảng 67.000m3/ngày với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, dự án xây dựng hồ Gia Ui 2 (huyện Xuân Lộc) thuộc dự án nhóm B, thực hiện trên địa bàn xã Xuân Hòa và Xuân Hưng, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.480 tỷ đồng và sau khi xây dựng, hồ Gia Ui 2 có dung tích dự kiến trên 9 triệu m3, phục vụ tưới tiêu cho 1.000ha cây trồng trên địa bàn. Tỉnh cũng tập trung xây dựng nhiều hồ chứa nước lớn là hồ Bình Sơn (huyện Long Thành) dung tích hơn 5 triệu m3, hồ tại xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) dung tích 4,8 triệu m3...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, hiện lượng nước tại các hồ chứa hầu hết vẫn đủ nước để phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 và UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN- PTNT triển khai nhiều kế hoạch, phương án ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô; tiếp tục theo dõi, hỗ trợ địa phương triển khai kế hoạch gieo trồng vụ đông xuân gắn với công tác tích trữ, đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước, điều tiết nguồn nước từ các công trình để phục vụ sản xuất theo kế hoạch, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống cây trồng tại các vùng sản xuất có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô.