Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, nhất là việc biến thể mới BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại, ngày 2-7, tại văn bản số 4114/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành và 63 tỉnh thành quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19 cho các nhóm đối tượng, hoàn thành theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, quyết liệt hơn nữa việc đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh và cho công tác phòng, chống dịch trên cả nước.Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh thành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.
Thủ tướng giao Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan truyền thông làm tốt công tác truyền thông để nhân dân hiểu về diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh, về biến thể mới BA.5 của virus SARS-CoV-2 có thể làm dịch bùng phát trở lại để ủng hộ, tích cực tham gia tiêm vaccine Covid-19 và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nhiều người dân cho rằng bị mắc sau khi tiêm mũi 2, 3 là coi như tiêm mũi 3, 4 vì thế có tâm lý không tiếp tục tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, GS-TS Phan Trọng Lân cho rằng, so với những người mắc mà không tiêm thì miễn dịch của người đã mắc có tiêm vaccine sẽ lâu hơn, hiệu lực bảo vệ cao hơn trước các biến thể mới.
Tại Việt Nam, trong khoảng tháng 12-2021 đến tháng 2-2022, các mũi cơ bản gần như được phủ hết. Do đó, đến nay, qua 4 đến 6 tháng, nhiều người miễn dịch đã suy giảm, cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc lại để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao. Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng.