Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài 51,3km. Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành thu hồi hơn 431ha đất của 1.239 hộ dân và 8 tổ chức. Trong đó, đoạn qua huyện Cẩm Mỹ dài 21,4km và thu hồi 132,4ha. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc do khung giá bồi thường thấp hơn so với giá đất thị trường nên nhiều hộ không đồng ý. Mặt khác, nhiều người dân nơi khác có đất tại địa phương nên cơ quan chức năng mất thời gian xác minh nguồn gốc đất; một số thửa đất bị “xẻ đôi” khi làm cao tốc nhưng chỉ được thu hồi một nửa nên người dân không đồng ý giao mặt bằng…
Với nhiều nỗ lực giải phóng mặt bằng của các địa phương, từ giữa tháng 11 đến nay, các đơn vị thi công đã huy động đến công trường khoảng 1.500 kỹ sư, công nhân và gần 1.000 máy móc, phương tiện để tổ chức thi công Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Hiện 4 gói thầu (gói số 1, 2 thuộc tỉnh Bình Thuận và gói số 3, 4 thuộc tỉnh Đồng Nai) hoàn thành khoảng 25% khối lượng công việc. Ngoài phần đường, nhà thầu còn phải thi công 65 cầu trên cao tốc và cầu vượt cùng hàng chục cống hộp, hầm chui. Gói thầu số 2 với chiều dài 10,6km qua huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) được thi công bởi Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 đang triển khai thi công tại 19/19 cầu, phần đường đang đắp nền K95, K98, cấp phối đá dăm, gia cố xi măng và dự kiến tháng 1-2022 sẽ tiến hành bê tông nhựa. Gói thầu số 3 dài 35km gồm 24 cầu, 16 cống hộp và 5 hầm chui (phần lớn đi qua Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) do liên danh Vinaconex - Trung Chính đảm nhận thi công, đã lắp đặt hơn 70% khối lượng cống đúc sẵn, cọc khoan nhồi mố trụ cầu, đúc dầm, lao dầm bản mặt cầu. Gói thầu số 4 (phần lớn đi qua huyện Cẩm Mỹ) khoảng 16km có gần 5km cấp phối đá dăm loại 1, gia cố xi măng, 5/10 cầu đang lao lắp dầm và chuẩn bị vào giai đoạn bê tông nhựa lớp đầu tiên.