Khả năng cạnh tranh thấp
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) cơ khí, trong đó có gần 450 DN quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập thể, 156 xí nghiệp tư doanh... Sự phân bổ số lượng DN nhà nước không đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng. Khoảng 50% cơ sở cơ khí chuyên chế tạo, lắp ráp; còn lại chủ yếu là cơ sở sửa chữa.
Tổng số vốn của ngành cơ khí quốc doanh vào khoảng 360 - 380 triệu USD, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành cơ khí khoảng 2,1 tỷ USD; trong đó, hơn 50% tập trung vào lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) đánh giá, khoảng 10 năm trở lại đây, ngành cơ khí đã có những bước phát triển đáng kể, doanh thu tăng đều trên 20%. Nhiều sản phẩm cơ khí công nghệ cao cũng đã xuất hiện như thiết kế, chế tạo thủy công; thiết bị nhà máy xi măng, giàn khoan dầu khí…
Với giá trị thực tiễn to lớn, công trình khoa học “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” đã nhận được Giải thưởng Quốc gia, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ năm 2016.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều quan trọng hơn cả trong việc chế tạo thành công giàn khoan dầu khí tự nâng 90m (giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05) là mốc son đánh dấu bước phát triển, sự trưởng thành mang tính lịch sử của ngành cơ khí Việt Nam. Từ chỗ chỉ có thể gia công chế tạo thì đến nay, ngành này đã có thể tự thiết kế, thi công các công trình giàn khoan dầu khí.
Thành quả này cho thấy trình độ, năng lực, chất xám và khả năng lao động của Việt Nam không hề thua kém các nước trên thế giới. Tuy vậy, các DN trong ngành lẫn chuyên gia đều nhận định, bên cạnh bước phát triển đáng khích lệ thì sau nhiều năm đổi mới, giá trị gia tăng của sản phẩm ngành cơ khí vẫn thấp, còn tồn tại nhiều DN cơ khí yếu kém.
Ngoài một số công trình tiêu biểu vừa đề cập, hầu hết công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản, lạc hậu, trình độ kém hơn khoảng 2 - 3 thế hệ so với khu vực. Thiết bị phần lớn là vạn năng, qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu vốn để đầu tư đổi mới, nâng cấp.
Một trong những điểm yếu hiện nay là thiếu nhà máy cơ khí công nghiệp nặng để sản xuất các chi tiết cơ khí lớn cho dây chuyền thiết bị đồng bộ, thiết bị chuyên dùng và các thiết bị cơ khí khác. Điều này một mặt làm cho sản xuất cơ khí trong nước trở nên thụ động, phụ thuộc vào nhập khẩu, đẩy giá thành sản xuất các dây chuyền thiết bị tăng, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm; mặt khác cũng khiến cho tình trạng nhập siêu ngày càng gia tăng.
Tạo cơ chế đặc thù đủ mạnh
Theo mục tiêu chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, phấn đấu đến năm 2010 sẽ đáp ứng 40% - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, nhưng đến nay chỉ đáp ứng được 20% - 25% nhu cầu.
Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ nhìn nhận, nhu cầu còn thấp so với mục tiêu đặt ra là do đến nay chưa có một cơ chế nào đủ mạnh để làm đòn bẩy thúc đẩy toàn ngành chế tạo cơ khí phát triển. Việc hỗ trợ và phối hợp liên kết không thực hiện được cũng do thiếu những chuyên ngành cơ khí cần thiết như các dự án sản xuất phôi thép rèn, đúc chất lượng cao, khối lượng lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến. Thiếu các DN trang bị máy gia công chế tạo thiết bị lớn, hiện đại trong nước.
Đa phần DN cơ khí đầu tư nhỏ lẻ vào khâu chế tạo, gia công kim loại, kết cấu thép; ngành hàng đạt giá trị gia tăng thấp, chủ yếu giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Các DN nhà nước có nhu cầu đầu tư thường gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục đầu tư phiền hà, về lãi suất, vì thế, 24 dự án đã được Chính phủ phê duyệt đầu tư theo công văn 1457/CP-CN (ngày 27-10-2003) chỉ có 3 dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất được triển khai!
Để tăng năng lực cho ngành cơ khí Việt Nam, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước mắt cần đẩy mạnh sự hợp tác sản xuất giữa các DN cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lắp để chống lãng phí.
Đặc biệt, tăng cường đầu tư và ứng dụng những thiết bị khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Về phía DN, ngoài việc tự nâng cao về mặt thiết bị, công nghệ trong sản xuất, cần tiếp thu những công nghệ mới thông qua liên doanh, liên kết với các DN mạnh trong và ngoài nước về thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các DN nội địa để cùng tham gia chế tạo, nội địa hóa sản phẩm tốt hơn. Đối với vai trò của VAMI, ngoài thay mặt DN kiến nghị các bộ ngành những chủ trương chính sách, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ về thông tin tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm và năng lực sản xuất kinh doanh của các DN thành viên.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm và năng lực của DN, đặc biệt là tại các hội chợ, triển lãm sẽ giúp DN có thể nắm bắt thông tin, những DN mạnh để tìm hiểu máy móc, từ đó hợp tác sâu hơn trong ngành cơ khí và rộng hơn với quốc tế.