Cuối phiên họp sáng 30-5, cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, nhiều ĐBQH đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc chuẩn bị dự án. ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) thẳng thắn cho rằng, lẽ ra dự án đã phải hoàn thành từ lâu.
Ghi nhận dự án hồ chứa nước Ka Pét là mong mỏi lớn nhất của người dân huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, ĐB Nguyễn Lâm Thành đánh giá dự án đã có quá trình chuẩn bị từ lâu, được thảo luận rất kỹ từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Quốc hội cũng đã bố trí, hỗ trợ nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng đến nay dự án vẫn chậm tiến độ; cần đánh giá kỹ nguyên nhân, trong đó tập trung làm rõ các nguyên nhân chủ quan, để rút kinh nghiệm cho quá trình triển khai trong các giai đoạn tiếp theo.
Về thẩm quyền quyết định liên quan đến đất rừng, ĐB Nguyễn Lâm Thành cho rằng báo cáo nêu chưa đủ thuyết phục. “Nếu chuyển sang trồng rừng ở các khu vực khác, ở đất trồng rừng sản xuất để thay thế thì không hợp lý”, ĐB nhận định và cho rằng cần ưu tiên bảo tồn nguồn rừng như rừng tự nhiên để thay thế diện tích cũ. ĐB nhất trí giao Chính phủ, UBND tỉnh chủ trì thực hiện dự án, hàng năm Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khi nào hoàn thành thì báo cáo Quốc hội.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) |
Cũng đồng ý với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) nhìn nhận, các cơ chế đặc thù dự kiến áp dụng cho dự án này đã được triển khai đối với một số công trình quan trọng, đã đảm bảo cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, các cơ quan hữu quan tập trung nguồn lực để triển khai khẩn trương, kịp thời, đảm bảo dự án sớm phát huy hiệu quả.
Cùng quan điểm, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) thống nhất với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét bởi Bình Thuận là địa phương ở khu vực Nam Trung bộ, thường xuyên chịu đựng cảnh khô hạn. Việc xây dựng dự án sẽ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lũ, cải tạo môi trường. Dự án không chỉ có ý nghĩa đối với khu vực huyện Hàm Thuận Nam mà cho cả tỉnh Bình Thuận.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) |
Chia sẻ với một số khó khăn khách quan trong việc thực hiện dự án do dịch bệnh Covid-19, song ĐB Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, để dự án sớm hoàn thành, đi vào hoạt động, tới đây cần phải có những giải pháp, xác định tiến độ cụ thể. ĐB Tạ Văn Hạ phân tích, dự án hồ chứa nước Ka Pét về tổng mức đầu tư thuộc dự án nhóm B, nhưng do xin chuyển đổi rừng phòng hộ từ 50 ha trở lên thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
“Nếu sau này muốn mở rộng thêm diện tích, dù chỉ 1 ha thì tính độc lập hay cộng vào tổng diện tích mà Quốc hội cho phép chuyển đổi?”, ĐB nêu vấn đề và đề nghị xem xét giải thích điều 7 của Luật Đầu tư công về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia cho phù hợp.
Có quan điểm hơi khác, mặc dù cũng bày tỏ ủng hộ việc điều chỉnh dự án, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư lần này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả khách quan, chủ quan. Đặc biệt là nội dung điều chỉnh có liên quan đến phương án trồng rừng thay thế, nên việc trình Quốc hội xem xét quyết định là cần thiết.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) |
“Như thế sẽ đảm bảo thận trọng hơn, xem xét một cách thấu đáo để chỉ khi nào cần thiết, cấp thiết lắm mới đụng đến rừng”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói. Để thúc đẩy tiến độ dự án, ĐB Ngân đề nghị thực hiện cơ chế đặc thù là Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án.