Chung cư cũ đã rệu rã
Chung cư số 440 Trần Hưng Đạo (quận 5) được Sở Xây dựng TPHCM kiểm định, đánh giá là chung cư cấp D, có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho tính mạng người dân, cần phá dỡ khẩn cấp. Thời gian qua, do vướng mắc về đền bù nên còn khoảng 20 hộ dân chưa chịu di dời. Nhìn từ bên ngoài, rêu đen đã phủ kín nhiều mảng tường, hành lang, tay vịn đã lỏng lẻo, bong tróc. Các rào chắn ban công xen lẫn biển hiệu treo lộn xộn quanh các căn hộ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Năm 2017, UBND quận 5 đã ban hành quyết định di dời cư dân tại đây, nhưng nhiều hộ dân vẫn cố bám trụ và đưa ra lý do Nhà nước chưa có chính sách bồi thường rõ ràng, minh bạch. Từ đó đến nay, chung cư ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho những người sống nơi đây và cả người đi đường. Bà Hà Thị Bảy, một hộ gia đình đã sống tại chung cư hơn 40 năm, cho biết, mọi người sẽ chuyển đi hết trước ngày 10-3 và đã xếp lịch di dời xong. Nghĩ về nơi ở cũ, bà Bảy nói: “Tôi ở đây đã quá nửa đời người, dù hơi chật chội nhưng ở mãi cũng quen. Ở đây lâu nên tôi yêu thương chung cư này lắm”.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch UBND phường 11 (quận 5), kế hoạch di dời người dân ra khỏi chung cư 440 Trần Hưng Đạo đã được ban hành từ đầu năm 2023. Đến nay, đã có 18/20 hộ dân đồng thuận di dời khỏi chung cư từ giữa tháng 2. Trong đó, có nhiều hộ đã di chuyển qua nơi tạm cư mới, bàn giao mặt bằng trống cho phường. Đối với 2 hộ dân chưa đồng ý, chính quyền địa phương sẽ tiến hành vận động thêm, với mục tiêu trước ngày 10-3 sẽ di dời được hết người dân đến nơi ở mới.
Không riêng chung cư 440 Trần Hưng Đạo, mà nhiều chung cư cũ tại TPHCM đang trong tình trạng “báo động đỏ” mà chưa thể di dời, do vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, như chung cư Tân Hòa Đông (quận 6), các chung cư 137 và 149-151 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình)… Hiện tại, vẫn còn hàng trăm hộ dân cố bám trụ tại các chung cư cũ này, cho dù chính quyền địa phương nhiều lần vận động di dời đến nơi ở mới.
Cần sự đồng thuận của người dân
Theo ghi nhận, khó khăn lớn nhất cần giải quyết trong việc di dời người dân đang ở trong các chung cư cũ cấp D là có phương án tái định cư khả thi, thuyết phục người dân tạm dời nhà cũ đến nơi ở mới và kêu gọi doanh nghiệp cải tạo, xây mới chung cư cũ. Đơn cử như chung cư số 155-157 Bùi Viện (quận 1) là một điển hình. Tòa chung cư 9 tầng này đã tồn tại hơn 50 năm trên khu đất rộng 400m2 bao gồm các căn hộ có diện tích từ 18-45m2 và bị xếp hạng cấp D từ năm 2016. Vậy nhưng đến giữa năm 2022, UBND quận 1 mới có thể di dời hết những hộ dân ra khỏi tòa nhà này. Phó Chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, các hộ dân mong muốn được tái định cư tại chỗ, với những căn hộ rộng ít nhất 45m2 theo tiêu chuẩn nhà ở mới. Trong khi, cũng theo các quy định hiện hành, diện tích đất quá nhỏ trong khu trung tâm TP như phố Bùi Viện không được xây chung cư cao tầng. Từ đây dẫn đến việc rất khó tìm được chủ đầu tư đáp ứng những yêu cầu này, bởi doanh nghiệp không thấy lợi nhuận khi tham gia dự án.
Nói về thực trạng chung cư cũ, TS Phạm Trần Hải, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho hay, các chung cư cũ phân bổ rải rác khắp các quận nội thành TPHCM. Số lượng chung cư cấp C và D có xu hướng tăng thêm, chuyển tiếp từ các chung cư cấp B và C. Nguyên nhân là do kết cấu công trình bị xuống cấp; thêm vào đó, môi trường vệ sinh ẩm thấp và tình trạng tự ý cơi nới, sửa chữa của các hộ dân. Vì vậy, bên cạnh việc gấp rút tháo dỡ, di dời chung cư cấp D để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền và các sở, ngành chức năng liên quan của TPHCM cần đẩy nhanh việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các chung cư cũ cấp B và C để bảo đảm an toàn, hạn chế xuống cấp mức D thời gian tới. Ở đây, mấu chốt là sự đồng thuận của người dân sẽ mang tính quyết định đến công tác cải tạo, sửa chữa, tháo dỡ hoặc xây mới chung cư cũ.
Tại chương trình “Dân hỏi, chính quyền trả lời” diễn ra vào trung tuần tháng 2-2023, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, TP đặt ra mục tiêu rất lớn về việc cải tạo chung cư cấp D (chung cư có khả năng sụp đổ kết cấu, gây nguy hiểm). Những chung cư có diện tích quá nhỏ, dưới 1.000m2 và không thích hợp xây dựng lại chung cư tại cùng vị trí thì có thể di dời người dân đến quỹ nhà được bố trí. Sau đó, TP sẽ phá dỡ chung cư, điều chỉnh quy hoạch chức năng vị trí đó để triển khai đấu giá. Trong số 474 chung cư cũ trước năm 1975, TP bố trí 280 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa gần 200 công trình. Còn 246 chung cư trong nhóm B, TP dự kiến chi 500 tỷ đồng để bảo trì trong thời gian chờ và chưa được xây dựng lại.
Hiện TP có 1.568 chung cư, với trên 1.800 lô. Trong đó, 474 chung cư xây dựng trước năm 1975, 16 chung cư cấp D bắt buộc di dời (các quận 1, 3, 5, 6, Tân Bình). Tuy nhiên đến nay, tiến độ di dời chưa như kỳ vọng. Tháng 8-2022, TP quyết định ủy quyền phân công TP Thủ Đức và UBND các quận được toàn quyền chủ động cải tạo nhà chung cư cần tháo dỡ. Quận, huyện có đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời. Riêng Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiến độ theo chương trình TP đã duyệt về phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.