Khả năng đạt được hòa bình
Điểm đầu tiên trong chuyến thăm Trung Đông lần này của ông Blinken là thủ đô Cairo, Ai Cập, để gặp Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi và các quan chức cấp cao. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ tới Israel, Jordan và Qatar trước khi ghé Italy tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7).
Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, ông Antony Blinken sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lực lượng Hamas chấp nhận đề xuất trên bàn đàm phán gần giống với đề xuất đã được thông qua vào tháng trước; đồng thời thảo luận về lợi ích cho người Israel và người Palestine mà lệnh ngừng bắn mới mang lại. Thỏa thuận mới sẽ tạo điều kiện tăng cường viện trợ nhân đạo và cho phép người Palestine quay trở lại khu vực của họ. Thỏa thuận sẽ mở ra khả năng đạt được hòa bình dọc biên giới phía Bắc của Israel.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố đề xuất ngừng bắn mới gồm 3 giai đoạn, bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn hoàn toàn kéo dài 6 tuần. Israel sẽ rút quân khỏi các khu vực đông dân cư ở Gaza; lực lượng Hamas sẽ thả toàn bộ con tin đang bắt giữ đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine; người dân Palestine quay trở lại Gaza, bao gồm cả miền Bắc Gaza và 600 xe tải sẽ chở viện trợ nhân đạo đến khu vực này mỗi ngày. Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản dài hạn hơn nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm một kế hoạch tái thiết lớn cho Gaza.
Hiện các cuộc đàm phán do Ai Cập, Qatar và các nước khác làm trung gian nhằm sắp xếp lệnh ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hamas đã nhiều lần bị đình trệ, cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau thiếu thiện chí.
Giải quyết nhu cầu cứu trợ
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến công du, Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ tham dự Hội nghị khẩn cấp về Gaza được tổ chức tại Jordan vào ngày 11-6. Hội nghị do Ai Cập và Jordan, Liên hợp quốc (LHQ) đồng tổ chức. Các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các chính phủ, cũng như các tổ chức nhân đạo và cứu trợ quốc tế cùng tham dự hội nghị trên theo lời mời của Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.
Hội nghị nhằm tìm cách tăng cường nỗ lực ứng phó của cộng đồng quốc tế đối với thảm họa nhân đạo đang bủa vây cuộc sống của khoảng 2,3 triệu người Palestine tại Dải Gaza, cũng như đảm bảo về phản ứng phối hợp tập thể trong giải quyết tình hình nhân đạo ở dải đất ven Địa Trung Hải này. Bên cạnh đó, hội nghị cũng hướng tới việc xác định các biện pháp và thủ tục để giải quyết hiệu quả các nhu cầu cứu trợ của người dân Gaza.
Theo thống kê của LHQ, từ khi nổ ra xung đột Hamas - Israel ngày 7-10-2023 tới nay, đã có hơn 36.280 người Palestine thiệt mạng và hơn 80.000 người bị thương, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Hiện có hơn 800.000 người trong tổng số khoảng 1,3 triệu người tị nạn ở Rafah tiếp tục di dời chỗ ở. Trong khi đó, các hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ vào Rafah nói riêng và Gaza nói chung đã bị thu hẹp đáng kể sau khi cửa khẩu nối giữa Rafah và Ai Cập bị đóng do các cuộc tấn công của Israel.