Chưa kể, nhiều khu vực thuộc TP Thủ Đức thấp trũng, vốn xưa kia là nơi thoát nước của cả khu vực nhưng nay đã bị san lấp, xây dựng gần hết. Trong khi đó, tiến độ xây dựng các hồ điều tiết nước rất chậm.
Hoàn thiện hệ thống thoát nước
Một trong những hình ảnh được lan truyền nhiều trên mạng xã hội những ngày gần đây là tình trạng “nước chảy như thác” trong và sau mưa ở đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức. Thực ra, do có địa hình dốc cao, cộng với mưa lớn, nước không kịp thoát nên nơi đây xảy ra tình trạng như vậy. Không chỉ đường Võ Văn Ngân, nhiều khu vực khác ở TP Thủ Đức cũng ngập nặng.
Để giải quyết tình trạng ngập “như thác” ở đường Võ Văn Ngân, tháng 10-2020, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) đã khởi công thực hiện dự án cải thiện hệ thống thoát nước trên tuyến này.
Theo đó, xây dựng hệ thống thoát nước mới dài 2.459m bằng cống hộp, đường kính 1,6x1,6m và 1,6x2m, với tổng mức đầu tư trên 129,4 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Thủ Đức (tên gọi cũ, khi chưa thành lập TP Thủ Đức) làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công. Hiện dự án đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng.
Song song với dự án trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thi công dự án thoát nước các đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quốc Hương, Kha Vạn Cân, QL1A.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang triển khai nhanh dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Sài Gòn (khu phố 4, phường Thảo Điền); dự án chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn - khu vực thượng lưu cầu Bình Lợi; dự án xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông; dự án xây dựng đường và hệ thống thoát nước QL13 cũ; nạo vét, cải tạo rạch Cầu Ngang…
Theo Sở Xây dựng TPHCM, kế hoạch từ nay đến cuối năm TPHCM sẽ khởi công 12 dự án chống ngập, trong đó có 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường. Đặc biệt, tại địa bàn TP Thủ Đức sẽ ưu tiên xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại các khu vực chưa có hệ thống thoát nước.
Cụ thể, có 3 dự án lớn sẽ được khởi công, bao gồm dự án lắp đặt cống thoát nước, tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường số 8 (phường Phước Bình), tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng; dự án lắp đặt cống, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường ở đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ đường 990 đến cầu Võ Khế, kinh phí trên 300 tỷ đồng; dự án cải tạo cống thoát nước, giảm ngập đường Lã Xuân Oai (từ đường Lê Văn Việt đến đường 102), tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng… Tổng kinh phí cho các dự án chống ngập tại TP Thủ Đức là hơn 500 tỷ đồng.
Thách thức trong giải phóng mặt bằng
“Đầu mục” dự án nhiều là vậy, song trên thực tế, những dự án đã được triển khai xây dựng không nhiều. Thách thức lớn nhất trong việc triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP Thủ Đức là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đất đai nhiều khu vực tại đây đã có giá lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.
Trong dự án chống ngập, công tác lớn nhất là xây dựng hệ thống cống thoát nước làm nhiệm vụ thu gom và thoát nước trên các trục giao thông hoặc khu dân cư. Giá đất trong các khu vực này rất cao nên càng khó cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Trong các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn luôn là công tác khó khăn nhất. Trước đây khi còn là quận Thủ Đức, vùng đất này chưa triển khai được nhiều dự án chống ngập. Điển hình nhất là dự án xây dựng hồ điều tiết nước ở Gò Dưa - được nói đến rất nhiều nhưng không thể triển khai bởi nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là thiếu kinh phí.
Hay như năm 2017, TPHCM đã cho thí điểm xây dựng hồ điều tiết ngầm trước Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức (thời điểm này chưa thành lập TP Thủ Đức). Tuy nhiên, do hồ có dung tích nhỏ (xây gọn trong khu vực Nhà Thiếu nhi - PV) nên không chứa hết lượng mưa đổ xuống khu vực. Tuyến đường Võ Văn Ngân vì thế vẫn bị ngập khi mưa lớn.
Tuy nhiên, hiện có một điểm sáng trong việc tìm vốn đầu tư cho công tác chống ngập trên địa bàn TP Thủ Đức. Đó là thông tin Chính phủ và doanh nghiệp Hà Lan (thông qua Chính phủ Hà Lan - PV) muốn đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước và hệ thống điều tiết nước bằng công nghệ thông tin cho TP Thủ Đức theo hình thức đối tác công tư. Dự án này ước trị giá hơn 1 tỷ USD. Hiện Chính phủ Việt Nam, UBND TPHCM và Chính phủ Hà Lan đang bàn thảo cụ thể về dự án này.
Trong giai đoạn 2016 đến cuối năm 2020, trên địa bàn TPHCM, cơ quan có liên quan đã giải quyết ngập được ở 22/40 tuyến đường trục chính (đạt 55% kế hoạch đề ra) và 179 tuyến hẻm, đường nhánh (đạt 100%). Ngoài ra, thành phố cũng cải tạo 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, xây dựng, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước của hẻm với các tuyến đường chính. Kinh phí đầu tư chống ngập bằng ngân sách ở giai đoạn 2016-2020 là 7.047 tỷ đồng; kinh phí thực hiện dự án chống ngập theo hình thức đối tác công - tư (PPP) gần 10.000 tỷ đồng; vay vốn ODA dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 khoảng 9.400 tỷ đồng. Tổng cộng nguồn vốn chống ngập giai đoạn này của thành phố là gần 26.000 tỷ đồng. |