Khi dân và chính quyền đều mệt
Ông Nguyễn Hoài Bắc (ngụ quận 9, TPHCM) vừa hoàn tất “hành trình” gian nan trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người thân, với thời gian hơn nửa năm chờ đợi. Trong quá trình này, ông Bắc nhiều lần chạy tới chạy lui đến bộ phận tiếp nhận, trả hồ sơ của quận nhưng hầu như lần nào cũng nhận được câu trả lời: “Thông cảm, đang trình cấp thành phố ký”. Ông Bắc cũng nhận thêm lời giải thích, theo quy định toàn bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận trên địa bàn thành phố đều dồn về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) để giải quyết, thay vì trước đây đất ở nơi nào thì UBND quận/huyện đó ký. Điều này gây quá tải, dẫn đến trễ hạn trong giải quyết việc dân.
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM, tình trạng hồ sơ cấp giấy chứng nhận chậm giải quyết hoặc quá hạn vẫn còn phổ biến ở thành phố, kể cả đối với những trường hợp nhận chuyển nhượng nhà, đất đã có giấy chứng nhận. Trong vấn đề này, không chỉ người dân mà chính quyền cũng mệt mỏi. Ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM, cho biết UBND TPHCM đã cho phép Sở TN-MT ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai TP được ký cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận. Tuy nhiên, hồ sơ vẫn phải chuyển đến Sở TN-MT để đóng dấu; đồng thời, các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại các quận/huyện chưa được giao quyền cấp giấy chứng nhận. Trước các bất cập này, Sở TN-MT xin cơ chế ủy quyền cho chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận/huyện được ký cấp giấy. UBND TPHCM cùng Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp đã đồng tình với đề xuất này. “Trên cơ sở đó, chúng tôi xây dựng dự thảo và lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp để trình UBND TPHCM ban hành quyết định ủy quyền cho phép Sở TN-MT được ủy quyền cho chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại các quận/huyện cấp giấy trong phạm vi thẩm quyền. Khi đó, thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được kéo giảm và giải quyết căn cơ tình trạng trễ hạn như hiện nay”, ông Quang bày tỏ.
Qua sự việc trên cho thấy, sự quan trọng của việc phân cấp, ủy quyền (cho cấp dưới) nhằm lược bỏ bớt khâu trung gian, tránh tình trạng dồn việc vào một số ít cơ quan, cá nhân, gây ra quá tải và dẫn đến trễ nải khi giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Theo Sở Nội vụ TPHCM, trong thực tế, từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực (đầu năm 2016), UBND TP đã ban hành nhiều quyết định về phân cấp, ủy quyền cho các sở/ngành, UBND quận/huyện, nhất là các lĩnh vực liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính. Việc ủy quyền này đã tạo điều kiện cho các sở/ngành, UBND các quận/huyện chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế. Nguyên do quy định của pháp luật còn ít và chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ nên có sự lúng túng trong việc ủy quyền và nhận ủy quyền. Ngoài ra, việc phân cấp, ủy quyền tập trung vào một số lĩnh vực như đầu tư, xây dựng, cán bộ, công chức, viên chức… nên chưa phát huy vai trò chủ động trên các lĩnh vực khác.
Đơn vị nào làm tốt thì phân cấp, ủy quyền |
Hiện nay, TPHCM đang tập trung thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết này là mở rộng thẩm quyền của UBND TP, Chủ tịch UBND TPHCM trong thực hiện cơ chế ủy quyền so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Mới đây, chính quyền thành phố đã chính thức ban hành quyết định ủy quyền cho các sở/ngành, thủ trưởng các sở/ngành, UBND quận/huyện, chủ tịch UBND quận/huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM. Các quyết định ủy quyền này sẽ có hiệu lực từ ngày 20-1-2019 cho đến hết ngày 31-12-2022.
Cụ thể, UBND TPHCM ủy quyền cho sở/ngành thực hiện 55 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, tập trung vào lĩnh vực đô thị - môi trường, kinh tế - ngân sách - dự án, văn hóa - xã hội - khoa học… Cùng đó, Chủ tịch UBND TPHCM cũng ủy quyền cho thủ trưởng các sở/ngành, chủ tịch UBND quận/huyện 31 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, thủ trưởng các sở/ngành, chủ tịch UBND quận/huyện được phép thay Chủ tịch UBND TPHCM thực hiện một số công việc, nhiệm vụ liên quan đến việc tiếp nhận công chức (không qua thi tuyển); sát hạch cán bộ, công chức từ cấp xã thành công chức cấp huyện; bổ nhiệm, nâng lương trước hạn, bổ nhiệm, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền phê chuẩn, bổ nhiệm của Chủ tịch UBND TPHCM, của Bộ Nội vụ do Sở Nội vụ thẩm định)…
Theo Sở Nội vụ, đối với những nhiệm vụ, thẩm quyền mà các sở/ngành, quận/huyện được ủy quyền thì các đơn vị này sẽ không phải trình UBND TP hoặc chờ ý kiến các cơ quan chuyên môn của UBND TP. Chính vì việc phân chia đầu việc, giảm bớt khâu trung gian như thế nên thời gian giải quyết công việc sẽ được rút ngắn. Điều này mang lại lợi ích lớn, góp phần làm giảm chi phí hành chính cùng thời gian chờ đợi của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi có thủ tục hành chính cần được giải quyết. Cạnh đó, việc đẩy mạnh ủy quyền cũng góp phần tích cực trong nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của thành phố.
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Châu Minh Tỷ cũng phân tích, khi các sở/ngành, quận/huyện được ủy quyền thì đồng nghĩa với việc họ được tạo điều kiện chủ động, phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm trong quá trình vận hành, quản lý bộ máy. Do đó, cơ chế ủy quyền được triển khai thực hiện tốt sẽ góp phần đẩy mạnh hiệu quả giải quyết công việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mặc khác, thực hiện việc ủy quyền còn góp phần giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, từ đó góp phần tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan, đơn vị nhà nước trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Luật sư HÀ HẢI, Đoàn Luật sư TPHCM: Giám sát để tránh lạm quyền, đùn đẩy trách nhiệm |