BIM (Building Information Modeling) là quá trình thiết lập, quản lý và sử dụng mô hình thông tin của công trình từ giai đoạn khảo sát, thiết kế, xây dựng, vận hành đến khi phá dỡ công trình; là hệ thống được thiết lập với quy trình chặt chẽ từ việc xây dựng mô hình với nhiều chiều thông tin (3D, 4D, 5D…) thông qua các phần mềm chuyên dụng (Civil 3D, Revit, Naviswork…).
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc ứng dụng BIM giúp các chủ thể tham gia dự án gồm chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu rút ngắn tiến độ thi công, tiết kiệm chi phí thông qua việc tối ưu hóa và xử lý trước các khó khăn.
Qua triển khai, ứng dụng BIM vào công trình cho thấy giảm được 40% chi phí phát sinh, giảm 3% độ sai lệch của dự toán, giảm 80% thời gian tính dự toán, tiết kiệm 10% giá trị hợp đồng thông qua việc phát hiện các sơ suất, giảm 7% thời gian thực hiện dự án.
Tại Quyết định 2500/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án BIM” với mục tiêu triển khai để giúp tiết kiệm, minh bạch trong kiểm soát chất lượng công trình. Trên tinh thần này, tại TPHCM, Khoa Xây dựng (Đại học Bách khoa TPHCM) cùng với Portcoast đã xây dựng Trung tâm Portcoast BIMLab nhằm triển khai ứng dụng BIM vào các công trình xây dựng.
Trung tâm hiện có các thiết bị hiện đại đầu tiên của Việt Nam gồm máy scan laser 3D FARO S350A, drone Stormbee và các phần mềm bản quyền chuyên dụng như SCENE, SURVEYOR, BUILD-IT…
Thế nhưng, một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, việc triển khai BIM vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do liên quan đến việc điều chỉnh quy trình sản xuất của đơn vị tư vấn, cũng như chuẩn bị nguồn lực để cập nhật các công cụ mới.
Do đó, Chính phủ cần chú trọng mạnh hơn nữa công tác đào tạo nhân lực cho ngành này. Nhân sự có trình độ sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành xây dựng.