Tại hội nghị, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT-TT Hồ Hồng Hải, cho biết, Biển Đông luôn là tâm điểm về quân sự và phức tạp về pháp lý. Việc giải quyết các thách thức ở Biển Đông đòi hỏi phải có chính sách ngoại giao đa sắc thái, nỗ lực hợp tác trong khu vực và cam kết duy trì các chuẩn mực quốc tế.
Cũng theo ông Hải, Việt Nam kiên trì theo đuổi chính sách tôn trọng đầy đủ, thiện chí thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc, thúc đẩy hợp tác biển dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về biển bằng các chính sách cụ thể.
Ông Hải chia sẻ thêm, hội nghị nhằm phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo, qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại hội nghị, Thượng tá Phạm Ngọc Khoái, nguyên Trợ lý phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã trình bày tình hình biên giới và công tác thực thi pháp luật của bộ đội biên phòng trên biên giới.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Giang, Trưởng phòng Công pháp quốc tế, Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp, cũng giới thiệu một số nội dung về chính sách, pháp luật về biển, đảo trong bối cảnh hiện nay.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, để nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác phổ biến chính sách, pháp luật về chủ quyền biển, đảo.
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ trên thế giới (3.260km bờ biển) với 28 tỉnh, thành ven biển, chiếm 40% diện tích đất liền và gần 50% dân số toàn quốc.