Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban ATGT TPHCM, thông tin đến bạn đọc Báo SGGP những nội dung chính đề cập trong văn bản trên.
Điểm mấu chốt là chúng tôi lưu ý và đề nghị các sở, ban ngành chức năng cùng chung tay vào công tác tuyên truyền cho người dân về nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Việc chung tay này còn nhằm góp sức phấn đấu kéo giảm 5%-10% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm ngoái. Hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải và vận tải hành khách, người đi mô tô, xe máy. Giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung các giải pháp xử lý những điểm được nhận diện có nguy cơ ùn tắc giao thông. Và cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, UBND quận huyện nhằm tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong các hoạt động, triển khai thực hiện công tác giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Chúng tôi cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cần được đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả. Trên tinh thần ấy, nội dung tuyên truyền phải đi vào chiều sâu, không hình thức, đúng đối tượng để mỗi người dân tự giác có ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT. Thường xuyên đổi mới hình thức nhằm thu hút sự quan tâm của các đối tượng được tuyên truyền, nội dung biên tập cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo, nhất là thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chú trọng tuyên truyền pháp luật, văn hóa giao thông đối với doanh nghiệp vận tải, lái xe và người điều khiển phương tiện giao thông. Vận động để người dân tích cực hỗ trợ trực tiếp tuyên truyền cho gia đình, người thân và cộng đồng dân cư nơi mình cư trú. Qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” và phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”.
Công tác tổ chức hoạt động tuyên truyền cũng cần bám sát, tập trung vào các vấn đề kiểm soát tốc độ, kiểm soát tải trọng xe, kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe, an toàn đường ngang đường sắt, an toàn bến khách ngang sông. Trong đó, chú trọng tuyên truyền và xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện, lưu thông quá tốc độ cho phép, chở hàng vượt tải trọng, xe máy lưu thông vào làn đường dành cho ô tô, không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy…
Về giao thông đường thủy, tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa giao thông đối với người tham gia giao thông đường thủy nội địa.
Ban ATGT đề nghị các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền các nội dung trọng tâm sau đây: không lái xe sau khi uống rượu, bia; tuân thủ quy định về tốc độ; lưu thông đúng phần đường, làn đường; chuyển hướng lưu thông hoặc tránh, vượt đúng quy định; không lưu thông vào đường cấm, đường ngược chiều; đi bộ sang đường đúng quy định; tự giác chấp hành tín hiệu giao thông, biển báo giao thông; không lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán… Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan liên quan phổ biến các video clip tuyên truyền về phòng tránh sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng khi tham gia giao thông bằng xe buýt, ô tô du lịch, xe khách liên tỉnh… Các video clip tuyên truyền này có thể xem và tải về từ các đường link sau:
https://tinyurl.com/ychyxnzp,
https://youtu.be/HvGGJLYHs3Y
đối với xe khách và https://youtu.be/_GZPiwZ-n-s đối với xe buýt.
Một số đề nghị của Ban ATGT với các cơ quan chức năng |
Xử lý nhiều vi phạm ở cửa ngõ phía Đông
Nhiều trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở cửa ngõ phía Đông TPHCM đã bị lực lượng Thanh tra Sở GTVT TPHCM phát hiện, xử phạt từ đầu năm đến nay.
Tối 7-8, xe tải 51C-933.93 đã bị thanh tra viên của Đội 5 Thanh tra GTVT phát hiện, lập biên bản xử lý hành chính trên đường Mai Chí Thọ, đoạn thuộc phường An Phú, quận 2. Xe tải này đã đậu nơi có biển báo cấm dừng và đậu xe, tức vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 của Nghị định 100/2019. Chỉ trong vòng 1 giờ tối hôm đó, Đội 5 Thanh tra GTVT đã xử lý 4 xe container với cùng lỗi dừng đậu xe không đúng nơi quy định trên đường Mai Chí Thọ.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra GTVT TPHCM đã xử lý gần 500 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở khu vực cửa ngõ phía Đông. Hành vi vi phạm gồm: dừng đậu xe không đúng quy định, lưu thông vào đường cấm, chở hàng hóa quá tải trọng… Tổng số tiền phạt khoảng 5 tỷ đồng. Có 150 trường hợp bị tước giấy phép lái xe 2-4 tháng. Có 5 trường hợp bị tạm giữ phương tiện.
Không phải ngẫu nhiên mà khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố ghi nhận nhiều vi phạm như thế. Đơn giản là do đặc thù và tính chất trọng điểm của cụm các quận 2, 9 và Thủ Đức nằm ở cửa ngõ này. Khu vực cửa ngõ phía Đông tiếp giáp các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai - vốn dĩ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, với các tuyến đường trọng điểm như quốc lộ 1, quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ, Khu Công nghệ cao, Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2…
Không những thế, khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố còn là nơi có nhiều bến cảng, kho bãi hàng hóa mà chỉ nhắc tên thôi cũng đủ để biết mức độ bức bối giao thương ở đó: cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, cảng ICD Sotrans, Khu công nghiệp Cát Lái… Những địa chỉ này thường xuyên có lưu lượng phương tiện vận tải hàng hóa, nhất là loại xe đầu kéo container ra vào kho bãi, cổng cảng để thông thương hàng hóa, rất lớn. Các chuyên gia ước tính tại cảng Cát Lái, bình quân có 20.000-22.000 lượt phương tiện ra vào lúc cao điểm.
Bức bối như vậy nhưng trong thực tế không phải lúc nào lực lượng thanh tra GTVT cũng xử lý được các hành vi vi phạm. Thực tế, các đợt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện đã cho thấy điều này. Các thanh tra viên Đội 5 cho biết, khi bị phát hiện hành vi thay đổi kết cấu xe, lắp thêm hoặc tháo bớt giường/ghế, hạ gầm xe… phía nhà xe thường gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra bằng nhiều cách, như không cho gỡ tem kiểm định mặc dù hành vi vi phạm thuộc dạng bị tước tem kiểm định lẫn sổ kiểm định 1-3 tháng. Trường hợp khác là đối với các hành vi thay đổi thiết kế xe, như lắp bảng điện led phía trước kính chắn gió, lắp tivi, đấu nối hệ thống điện trên xe… đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể rõ ràng làm căn cứ cho việc xử phạt, trong khi những hành vi tự ý lắp đặt tivi rồi đấu nối vào hệ thống điện trên xe, nếu làm không đúng kỹ thuật sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ phương tiện.
Một số thanh tra viên kể rằng, khi thi hành nhiệm vụ, việc đối tượng vi phạm không hợp tác với lực lượng chức năng là chuyện xảy ra thường xuyên. Khi phát hiện xe quá tải, thanh tra viên cần leo lên xe kiểm đếm hàng hóa để xác định vi phạm thì tài xế đóng cửa xe, bỏ đi với chủ ý gây khó khăn, vì theo nguyên tắc không có mặt chủ xe, thanh tra không thể kiểm đếm hàng trên xe.
TRUNG KHANH