Đến dự tọa đàm có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Hữu Phước. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để hàng Việt ngày càng chinh phục người Việt.
Một trong những kết quả đáng chú ý là tổng hạn mức tín dụng của chương trình dành cho mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và mặt hàng phục vụ mùa khai giảng qua các năm đạt hơn 2.000 tỷ đồng, giúp nhiều doanh nghiệp tham gia an tâm đầu tư cho quá trình sản xuất, chăn nuôi để chủ động tạo nguồn hàng dồi dào, tham gia bình ổn thị trường, từ đó giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp hàng Việt đến nhiều hơn với người dân.
Ông Nguyễn Công Tĩnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP cho biết, chỉ tiêu giải ngân so với hạn mức tín dụng được duyệt vay của các doanh nghiệp tham gia chương trình luôn đạt tỷ lệ cao, đạt từ 94% đến 99%. Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ giải ngân cho Chương trình bình ổn mùa khai giảng cũng luôn đạt từ 91% đến 99,9.
Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường, một số đại biểu cho rằng cần phải tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết nhiều hơn về thành công của cuộc vận động. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền qua băng rôn, báo, đài cần có sự chuyển hướng trong tiếp cận thông tin, quan tâm đến các trang mạng để tuyên truyền về cuộc vận động.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Đặc biệt cần xây dựng các chuỗi liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.
Tại tọa đàm, các đại biểu đề xuất lãnh đạo TP cần nghiên cứu xây dựng quy định cụ thể về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nhằm tạo hàng lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hoá và bảo vệ người tiêu dùng. Tiếp tục nâng cao công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các biện pháp phòng chống hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đẩy mạnh bảo hộ tài sản trí tuệ nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính.
Bên cạnh đó, Trung ương, TP cần có chủ trương định hướng những giải pháp cụ thể mới đạt được kết quả cao; cần tiếp tục định hướng phát triển để các doanh nghiệp TP góp phần thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng hiệu quả hơn. Cần có sự đánh giá, nhân rộng thường xuyên, trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các mô hình có hiệu quả, tổ chức thường xuyên các hoạt động tôn vinh, biểu dương, thi đua khen thưởng để cổ vũ, khơi dậy lòng tự hào của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân khi sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước chính là đóng góp cho sự phát triển của đất nước.