Đẩy mạnh thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn

Khảo sát năm 2019 của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, tỷ lệ các hộ gia đình trả lời có phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trước khi được thu gom đạt 87,4%... Đây là một tỷ lệ tương đối cao, làm tiền đề để thành phố tiếp tục thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn trong giai đoạn mới.
Thu gom rác sinh hoạt có phân loại tại nguồn ở quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thu gom rác sinh hoạt có phân loại tại nguồn ở quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Phân loại 2 nhóm chất thải

Theo đánh giá, thông qua việc triển khai chương trình phân loại CTRSH, TPHCM đã cơ bản xử lý được vấn đề tồn tại nhức nhối từ trước đến nay về quản lý rác dân lập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tiến tới xóa bỏ tình trạng thu gom “da beo, phương tiện cũ kỹ” và thay thế bằng các phương tiện mới đảm bảo chất lượng vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Hiện nay, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn thành phố được thu gom và xử lý khoảng 9.500 tấn/ngày. Lượng chất thải được chuyển giao về các đơn vị: Công ty CP VietStar với khối lượng tiếp nhận 2.000 tấn/ngày (xử lý thành phân compost); Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa khoảng 1.200 tấn/ngày (sản xuất phân compost và đốt); Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam 6.300 tấn/ngày (sản xuất phân compost và chôn lấp).

Thực hiện chủ trương của TPHCM về việc chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo môi trường, các công ty nêu trên đã và đang triển khai dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải theo hướng đốt rác phát điện. Đồng thời, TPHCM cũng đang triển khai kêu gọi đầu tư thêm 1-2 dự án đốt rác phát điện với tổng công suất 2.000 tấn/ngày. Dự kiến đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy xử lý rác thải đạt 13.500 tấn/ngày, trong đó công nghệ tái chế, đốt rác phát điện chiếm 79%, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh chiếm 15% và công nghệ sản xuất phân compost chiếm 6%.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất thải phù hợp với công nghệ chủ lực “tái chế, đốt rác phát điện”, TPHCM đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh phương thức phân loại CTRSH tại nguồn từ 3 nhóm chất thải như hiện nay thành 2 nhóm (nhóm phế liệu và nhóm còn lại). Triển khai chủ trương trên, Sở TN-MT TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến của quận huyện và các đơn vị liên quan để trình UBND điều chỉnh Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn. Quyết định này là cơ sở pháp lý để thực hiện phân loại rác theo phương thức mới. Dự kiến trong quý 4-2020, UBND TPHCM sẽ ban hành văn bản mới để triển khai. Ngoài ra, Sở TN-MT cũng đã chủ động xây dựng hoàn thiện quy định kỹ thuật phân loại CTRSH, nội dung tài liệu tuyên truyền để hướng dẫn các quận huyện tổ chức tuyên truyền và thực hiện phân loại CTRSH khi có quyết định điều chỉnh Quyết định 12. Song song với triển khai các nội dung trên, sở cũng đã chủ động hướng dẫn UBND các quận huyện thông tin cho người dân biết về định hướng điều chỉnh phương thức phân loại CTRSH mới.

Chuẩn hóa lực lượng và phương tiện

Theo Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TPHCM, về quản lý rác dân lập và chuyển đổi phương tiện, đến nay đã có 17/24 quận, huyện hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, gồm các quận: 1, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Tân và 5 huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ. Ngoài ra đã vận động được 2.152/2.674 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (đạt tỷ lệ 80,5%). Toàn thành phố hiện có 34 hợp tác xã thu gom rác, 171 công ty tư nhân thu gom rác và hiện còn khoảng 522 tổ, đường dây thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân đang hoạt động trên địa bàn các quận, huyện.

Trong khi đó, các quận huyện đã chuyển đổi được 693/2.743 phương tiện. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được nêu trên, Sở TN-MT đã có các văn bản hướng dẫn, yêu cầu các quận huyện đẩy mạnh công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập và chuyển đổi phương tiện; đảm bảo khi chương trình phân loại CTRSH được triển khai thực hiện theo phương thức mới thì hệ thống thu gom phải hoàn thiện, tổ chức thu gom riêng biệt chất thải sau phân loại.

Việc phân loại theo phương thức mới này nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả sẽ giúp cho công tác thu gom được dễ dàng hơn. Ngoài những lợi ích về môi trường và kinh tế, việc phân loại rác tại nguồn góp phần thực hiện từng bước công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, giảm chi ngân sách. Tuy nhiên, để có thể triển khai chương trình hiệu quả và thành công rất cần sự chung tay, đồng thuận của cộng đồng. Đối với người xả rác, đơn vị thu gom, đơn vị xử lý cần thực hiện nghiêm các quy định, yêu cầu đã được ban hành. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần có những quyết sách hợp lý với tình hình thực tế bao gồm cả việc khuyến khích khen thưởng và chế tài xử phạt.

Người dân sẽ được hướng dẫn phân loại rác tại nguồn thành 2 nhóm: Nhóm chất thải có thể tái sử dụng, tái chế (hay còn gọi là phế liệu) và nhóm chất thải còn lại. Biện pháp tổ chức thu gom, xử lý như sau: Nhóm chất thải còn lại được tổ chức thu gom hàng ngày và chuyển giao lên nhà máy xử lý tập trung như lâu nay; nhóm phế liệu: người dân có thể bán phế liệu hoặc cho/tặng cho các đơn vị thu gom, hoặc theo kế hoạch thu gom của chính quyền địa phương. UBND các quận huyện sẽ phối hợp với các đơn vị thu gom rác dân lập, công ty dịch vụ công ích để thống nhất phương án, tổ chức mạng lưới, các điểm thu gom với thời gian linh động, phù hợp cho người dân chuyển giao phế liệu. Các đơn vị thu gom sẽ công khai quy trình thu mua, trao đổi phế liệu bằng sản phẩm quà tặng để người dân tham gia thực hiện. Phế liệu được chuyển giao về các nhà máy tái chế có chức năng theo quy định.

                                                                                              T.TRÚC

Tin cùng chuyên mục