Đẩy mạnh thu hút đầu tư tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng
SGGPO
Năm 2020, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả mục tiêu của chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, phát triển hoạt động đối ngoại, doanh nghiệp và khởi nghiệp. Trong đó, khu công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút đầu tư với nhiều dự án được triển khai.
Tính đến hết năm 2019, các KCN của TP Đà Nẵng đã thu hút 488 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư trong nước là 17.339 tỷ đồng (363 dự án), vốn đầu tư nước ngoài là 1.669 triệu USD (125 dự án). Tổng số tiền nộp ngân sách địa phương từ KCNC và các KCN của TP Đà Nẵng năm 2019 khoảng 5.541 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách của TP Đà Nẵng.
Theo số liệu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng KCNC Đà Nẵng, đến tháng 5-2020, KCNC đã thu hút được 18 dự án, trong đó có 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 336,9 triệu USD và 9 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 5.272 tỷ đồng.
KCNC Đà Nẵng
Hiện đã có 6/18 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (chiếm tỷ lệ trên 33%), trong đó có 4/6 dự án là của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn 260 triệu USD, bao gồm: Dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Hoa Kỳ), Dự án Nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Techonology (Nhật Bản), Dự án Nhà máy Niwa Foudy Việt Nam, sản xuất các bộ phận thủy lực… (Nhật Bản) và Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina của Công ty TNHH ICT Vina Dentium Đà Nẵng (Hàn Quốc).
Ngày 27-3, Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (UACV) tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD
Hai dự án có vốn đầu tư trong nước là dự án nhà xưởng công nghệ cao của Công ty CP Long Hậu và nhà máy số ESTEC (Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tử tự động Biển Đông - ESTEC).
Đà Nẵng có 6 KCN gồm: KCN Hòa Khánh, KCN Đà Nẵng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Hòa Cầm và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng. Các KCN này có quy mô 1.066,52ha được đầu tư đồng bộ các hạ tầng công nghệ, viễn thông, năng lượng, cấp thoát nước; các dịch vụ hỗ trợ, như ngân hàng, y tế, đào tạo...
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng nhìn nhận, các cụm KCN có những lợi thế nhất định tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Hiện Ban quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng đang lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng 3 KCN mới (KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Ninh) với tổng diện tích hơn 880ha, tổng giá trị đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
“Trong thời gian đến, khi 3 KCN mới này đi vào hoạt động, cộng với việc chuyển đổi Khu phụ trợ KCNC thành KCN hỗ trợ khu công nghệ cao, TP Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 10 KCN với tổng diện tích khoảng 2.202ha, tạo điều kiện có được quỹ đất công nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư”, ông Sơn nói.
Hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng
Đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng cơ bản đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng.
Trong giờ làm việc, các công nhân vẫn phải đeo khẩu trang liên tục theo quy định phòng chống dịch của công ty
Vì vậy, để kịp thời đón các làn sóng đầu tư FDI từ các quốc gia trên thế giới và tiếp cận với các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm thị trường đầu tư mới sau dịch bệnh, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, Ban Quản lý đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng KCNC; tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng các KCN hiện hữu, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính để giảm đến mức thấp nhất thời gian giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư; thường xuyên gặp mặt đối thoại doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho nhà đầu tư triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả; liên kết với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Một mô hình khởi nghiệp ứng dụng Công nghệ cao tham gia triển lãm tại ngày hội SURF Đà Nẵng 2019
Ngoài việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động tại KCN, theo đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Đà Nẵng, các cơ quan địa phương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Việc Triển khai Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế TP Đà Nẵng đến năm 2030 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ làm cơ sở xác định các dự án, vị trí đất cần kêu gọi đầu tư, tạo động lực phát triển cho TP Đà Nẵng.
Đồng thời, đổi mới phương thức tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tại các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Châu Âu... tạo mối quan hệ với nhiều địa phương của Nhật Bản (Yokohama) và một số tổ chức quốc tế như: WB, ADB, JICA, GIZ, KOTRA… để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm, xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường; tập trung xúc tiến thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, các sản phẩm mang tính toàn cầu, ít gây ô nhiễm, có giá trị gia tăng cao góp phần tạo kim ngạch xuất khẩu lớn.