Thay đổi thói quen của phụ huynh
Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học (TH) Hà Huy Giáp (quận 12) dự kiến đón 3.300 học sinh, trong đó có 700 học sinh bán trú. Ông Hoàng Kim Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trường thu học phí trong 15 ngày. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hơn 200 lượt phụ huynh đến đóng học phí. Nếu thu tiền mặt sẽ gây quá tải cho nhân viên thủ quỹ và kế toán, chưa kể tiềm ẩn nguy cơ như nhầm lẫn, thất thoát. Từ thực tế đó, nhiều năm qua nhà trường đã có nhiều cải tiến nhằm giảm thiểu khó khăn trong việc thu học phí như: sử dụng thu tiền bằng mã vạch, tăng cường nhân lực hỗ trợ, ủy nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm thu hộ các khoản... nhưng hiệu quả vẫn không cải thiện.
Ông Hoàng Kim Sơn đúc kết: “Giải pháp ưu tiên thanh toán trên thiết bị điện thoại di động hoặc thẻ thanh toán là tối ưu và cần thiết. Phụ huynh có thể đóng học phí mà không cần đến trường, vừa tiết kiệm thời gian, thanh toán nhanh chóng, không cần giữ nhiều tiền mặt trong người vừa giúp nhà trường minh bạch hóa các khoản thu, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh”. Tuy nhiên, ông Hoàng Kim Sơn cũng cho biết, trường có hơn 40% học sinh là con em công nhân và người từ địa phương khác đến tạm trú, điều kiện tiếp xúc công nghệ thông tin còn hạn chế nên không có thói quen sử dụng dịch vụ chuyển khoản, chỉ muốn cầm tiền mặt đến trường đóng học phí.
Tương tự, tại Trường TH Ngô Quyền (quận Bình Tân), ông Võ Phương Bình, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ, vào mỗi đợt thu học phí, phòng thu ngân luôn trong tình trạng ùn tắc vào đầu và cuối giờ học do phụ huynh tranh thủ đóng tiền lúc đưa đón con đi học. Song, khi vận động phụ huynh chuyển qua hình thức chuyển khoản thanh toán, nhà trường đã gặp phản ứng từ một số phụ huynh như không muốn mất phí khi thanh toán qua phần mềm trực tuyến, sợ bị lừa do không rành về công nghệ...
Năm học 2020-2021, TPHCM có khoảng 1,7 triệu học sinh ở tất cả bậc học. Tổng số tiền thu học phí và các khoản thu khác tại trường mỗi tháng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, với quy định tinh giản biên chế hiện nay của Bộ Nội vụ (4 vị trí thủ quỹ, kế toán, nhân viên y tế, nhân viên văn thư trong trường học chỉ được phân bổ 2 nhân sự) gây khó khăn cho công tác quản lý.
Nhằm gỡ khó cho các trường học, ngày 7-8-2014, UBND TPHCM đã ban hành văn bản số 3835/UBND-TM về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP. Trong đó, giao Sở GD-ĐT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM triển khai thực hiện đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng thanh toán điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Nhiều giải pháp
Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy, năm học 2017-2018 có 85 trường THPT ở TPHCM vận hành hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Năm học 2018-2019, có trên 90% trường THPT sử dụng dịch vụ này, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng dịch vụ ở các trường mầm non, TH và THCS còn khiêm tốn. Đến cuối tháng 7-2020, toàn TP có 9 quận, huyện ban hành kế hoạch triển khai phần mềm quản lý nguồn thu có tích hợp thanh toán không dùng tiền mặt là Bình Tân, Tân Bình, 6, 7, 9, 10 và 3 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè. Năm học mới 2020-2021, TP sẽ áp dụng thu học phí không dùng tiền mặt tại 70% trường học trên địa bàn, hướng đến 100% trường học không dùng tiền mặt vào năm học 2021-2022.
Theo một cán bộ Phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT TP), hiện nay chính sách phát hành thẻ thanh toán cho học sinh đã có nhiều cải tiến. Trước đây, ngân hàng chỉ phát hành thẻ cho người từ 15 tuổi trở lên nhưng nay đã mở rộng đối tượng được cấp thẻ thanh toán gồm tất cả học sinh trong độ tuổi đến trường (từ 6 tuổi). Ở khối các trường học, đề án ngoài hai chức năng quản lý nguồn thu và thanh toán điện tử còn tích hợp nhiều tiện ích khác thu thuế điện tử, thu hộ học phí qua ngân hàng... Qua 6 năm thực hiện, TP đã đối soát số thu hơn 1.700 tỷ đồng. Chỉ riêng 3 tháng 5, 6, 7-2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên tổng số thu lên gần 150 tỷ đồng.
Tới đây, khi TPHCM mở rộng phạm vi triển khai đề án, đại diện nhiều trường phổ thông cho biết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và có hiệu quả việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân nói chung, cán bộ, giáo viên và phụ huynh nói riêng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích của dịch vụ trong cộng đồng.
Về phía quận, huyện, các phòng GD-ĐT cũng đề xuất ban chỉ đạo đề án tăng số lượng ngân hàng tham gia thanh toán để có thêm nhiều lựa chọn cho phụ huynh, tổ chức quầy hướng dẫn tại trường cho phụ huynh. Song song đó, nhà trường cần triển khai thêm giải pháp mở là bộ phận tài vụ thu tiền trực tiếp của phụ huynh đối với trường hợp chưa có tài khoản ngân hàng hoặc gặp khó trong sử dụng dịch vụ.