Để khuyến khích người dân chuyển sang các phương thức thanh toán điện tử thay vì trao đổi trực tiếp bằng tiền mặt, nhiều đơn vị thanh toán trung gian, ngân hàng thương mại đã đồng loạt miễn phí giao dịch cho khách hàng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.
Cơ hội thay đổi thói quen tiêu dùng
Hiện nhiều ví điện tử khuyến cáo người dùng nên chuyển sang các giao dịch điện tử để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt, vì có thể ẩn chứa virus. Cùng với đó, các thanh toán mua sắm, ăn uống thông qua các ví điện tử như Zalopay, MoMo, Moca… được giảm từ 30%-50% tại một số nơi mà ví liên kết.
Chị Hà Nguyên (quận 10, TPHCM) cho biết, trước đây, chị đã cài sẵn vài ứng dụng thanh toán của ngân hàng và ví điện tử trên điện thoại di động nhưng chưa sử dụng nhiều. Cho đến khi xảy ra dịch Covid-19, cùng với các chính sách có lợi cho khách hàng của ví điện tử, chị đã thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán này.
“Nếu như trước đây, đa số các chi tiêu của tôi đều bằng tiền mặt thì hiện nay, tôi đã thực hiện các thanh toán qua các ứng dụng và thẻ lên đến 60%-70%”- chị Nguyên cho hay.
Tranh thủ thời điểm này, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh thanh toán online qua các kênh ngân hàng điện tử. Với thói quen khách hàng thường đến ngân hàng gửi tiết kiệm dịp đầu năm, Viet Capitalbank đã khuyến nghị khách hàng tải ứng dụng Viet Capital Mobile Banking để gửi khoản tiền tích lũy với lãi suất cộng thêm 0,3%/năm so với gửi tại quầy; đồng thời miễn phí và không giới hạn số lần chuyển cho các ứng dụng qua Mobile banking và Internet banking.
SCB cũng miễn phí toàn bộ phí SMS banking, Mobile banking, Internet banking đến tháng 4-2020 và miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng cho khách hàng.
HDBank miễn 100% phí thanh toán quốc tế, giảm 50% phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa và giảm 50% phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho các doanh nghiệp… Nhằm kích cầu khách hàng tiêu dùng qua thẻ, Sacombank cũng đã đưa ra nhiều chương trình như trúng quà tặng du lịch lên đến 3.000USD…
Thống kê từ một ví điện tử cho thấy, sau dịp Tết Nguyên đán đến nay, giao dịch chuyển tiền qua ví tăng gấp đôi, các giao dịch thanh toán tại quầy qua hình thức quét mã thanh toán cũng tăng 100% so với thời điểm trước tết.
Trong 2 tuần đầu tháng 2-2019, số lượng đặt thức ăn, giao hàng thông qua các ứng dụng GoViet, Grabfood, Gofood… cũng đã tăng đến hàng trăm giao dịch, so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
Nhiều ngân hàng cũng cho biết, từ sau tết đến nay, hoạt động thanh toán tại quầy chậm hơn so cùng kỳ, nhưng thanh toán qua các kênh không dùng tiền mặt tăng. Theo Sacombank, các giao dịch thông qua Internet banking, Mobile banking, Sacombank Pay… của ngân hàng này tăng khoảng 50% so với trước đó.
Miễn phí thanh toán dịch vụ công
Triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ cho các tổ chức tín dụng từ ngày 25-2-2020.
Theo đó, NAPAS thực hiện miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến gồm các giao dịch thanh toán dịch vụ công thực hiện trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương đến 31-12-2020; giảm 72% phí chuyển mạch các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đối với các giao dịch có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, mức giảm từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 500 đồng/giao dịch từ ngày 25-2-2020.
Chia sẻ về việc này, bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NAPAS cho biết, chương trình miễn giảm phí dịch vụ chuyển mạch trong năm 2020 của NAPAS có thể góp phần hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo bà Tú Anh, năm 2020 là thời điểm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công theo chủ trương của Chính phủ, việc áp dụng chính sách miễn phí dịch vụ là sự chia sẻ trách nhiệm của ngành ngân hàng cũng như NAPAS với cộng đồng, với khách hàng, dù doanh thu của NAPAS có thể sẽ giảm ít nhất 15% khi triển khai chương trình miễn, giảm phí.
“Các giao dịch không dùng tiền mặt tăng lên không chỉ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng trong dân cư mà còn giúp các cơ quan Chính phủ cắt giảm được chi phí quản lý, vận hành” - bà Tú Anh cho hay.
Trong năm 2019, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 chiếm gần 50% tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS. Điều này cho thấy, xu hướng dịch chuyển đáng kể từ giao dịch rút tiền mặt sang giao dịch chuyển tiền thanh toán qua hệ thống ngân hàng.
Để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, phù hợp với chương trình miễn, giảm phí của NAPAS.