Tại TPHCM, sau 5 tháng giãn cách kéo dài, người tiêu dùng đã không còn xa lạ với việc mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử, app mua sắm đi chợ giúp. Kéo theo đó là hình thức thanh toán không tiền mặt cũng ngày càng phổ biến hơn. “Suốt mấy tháng ở nhà chống dịch, gia đình tôi chỉ đặt mua hàng hóa thiết yếu qua các app đi chợ giúp hoặc website của doanh nghiệp, nhà bán lẻ. Điều khác biệt so với trước là thời gian này, tôi hầu như rất ít sử dụng tiền mặt, thay vào đó chuyển sang thanh toán online để tránh tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, ngụ quận Bình Thạnh (TPHCM) chia sẻ.
Thực tế, ngoài chị Hân, rất nhiều người tiêu dùng tại TPHCM đã lựa chọn hình thức thanh toán không tiền mặt để chi trả cho các hóa đơn mua sắm hàng hóa. Ghi nhận từ Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - nhà bán lẻ có hệ thống cửa hàng, trung tâm thương mại trải khắp các tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, đã có thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, thanh toán của người tiêu dùng tại hệ thống suốt mùa dịch vừa qua. Theo đó, từ 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op thì trong mùa dịch Covid-19, con số này tăng vọt lên 40%, thậm chí có thời điểm đến 50%. Đây là mục tiêu mà Saigon Co.op dự kiến phải mất 3-4 năm nữa mới đạt được.
Việc người tiêu dùng ngày càng chuộng thanh toán không tiền mặt được giới kinh doanh chỉ ra là do tác động bởi dịch Covid-19. Theo đó, thời gian qua, người Việt đã mua sắm trực tuyến nhiều hơn trước đây để giảm tiếp xúc trực tiếp, góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Tuy vậy, các nhà bán lẻ cũng thừa nhận, sự tăng trưởng trong thanh toán không tiền mặt gần đây là có thật nhưng không bền vững bởi khi Covid-19 đi qua thì tỷ lệ này sẽ trở lại mức thấp. Lý giải điều này, nhiều người tiêu dùng cho biết do thanh toán không tiền mặt chưa thực sự tiện lợi, các điểm chấp nhận thanh toán chưa nhiều, chưa đa dạng…
Chính vì thế, để duy trì được tỷ lệ thanh toán không tiền mặt, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng, cần có nhiều giải pháp, và quan trọng nhất cần có sự chủ động giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và nhà cung ứng dịch vụ. “Những băn khoăn này đòi hỏi vai trò của truyền thông phảỉ được thúc đẩy nhiều hơn nữa. Chúng ta cần bắt đầu từ giá trị giao dịch nhỏ để có số lượng giao dịch lớn hơn, từ đó hình thành thói quen giao dịch không tiền mặt và bản thân hệ thống Saigon Co.op đang có những thay đổi trong quản trị, thích ứng cho xu hướng này”, ông Đức cho biết.
Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại các kênh bán lẻ của mình, trong năm 2021, Saigon Co.op đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp với nhiều đơn vị thương mại điện tử thực hiện đa dạng chương trình kích cầu hàng hóa, với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ Việt Nam ứng dụng công nghệ số trên diện rộng. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình “Ngày không tiền mặt 2021”, thời gian qua, Saigon Co.op đã phối hợp với ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian và ví điện tử đưa ra nhiều chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Finelife trên cả nước bằng việc ra mắt thẻ đồng thương hiệu kèm khuyến mãi - quà tặng hấp dẫn, các loại ví điện tử, tặng quà cho khách hàng thanh toán bằng thẻ visa, tặng điểm thưởng cao cho khách hàng thành viên khi mua hàng ưu đãi trên ứng dụng di động app Saigon Co.op.
Ngoài ra, Saigon Co.op còn đầu tư, liên kết các nền tảng thanh toán trực tuyến, trang bị các máy cà thẻ (máy POS), đẩy mạnh số hóa trên hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood… Thông qua những triển khai đồng bộ này, Saigon Co.op hy vọng sẽ giúp người tiêu dùng cảm thấy tiện lợi, dễ dàng khi mua sắm, từ đó thúc đẩy tỷ lệ thanh toán không tiền mặt.