Nhiều thị trường giảm sâu
Từ đầu năm 2023 đến nay, do tình hình xuất khẩu thủy sản gặp khó nên các nhà máy cũng giảm giá thu mua nguyên liệu. Hiện, giá tôm thẻ và tôm sú tại ĐBSCL có xu hướng giảm. Trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, giá tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg giá 127.000 - 132.000 đồng, giảm 1.500 đồng/kg so với đầu tháng 4; loại 50 con/kg giá 101.000 - 106.000 đồng, giảm khoảng 700 đồng/kg so với đầu tháng 4. Còn tôm sú thương phẩm 20 con/kg giá 230.000 - 235.000 đồng, giảm 3.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 165.000 - 170.000 đồng, giảm khoảng 4.000 đồng/kg so với đầu tháng 4…
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau) |
Với giá tôm nguyên liệu như trên, ông Trần Văn Việt, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết, giá thức ăn, vật tư đầu vào không giảm, thậm chí có loại còn tăng khiến người nuôi tôm đối diện với nhiều khó khăn, rất ngại thả nuôi vì lợi nhuận thấp, rủi ro lại cao.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cũng băn khoăn vì nhiều năm qua công ty xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường Nhật Bản nhưng từ đầu năm đến nay thị trường và đơn hàng xuất đi Nhật Bản rất ít.
“Công ty chào giá thấp hơn 1 USD so với năm ngoái nhưng các đối tác phía Nhật Bản cho rằng hàng của công ty vẫn cao hơn sản phẩm của Ấn Độ và Ecuador đến 2 USD nên họ không thể nhập hàng”, ông Cảnh lo lắng và cho biết thêm, công ty phải giảm giá mua tôm nguyên liệu nhưng không thể giảm sâu hơn nữa vì người nuôi không có lợi nhuận.
Cần khai thác thị trường nội địa
Trước những khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, lãnh đạo ngành công thương các tỉnh, thành tại ĐBSCL cho biết, đang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới như khu vực Trung Đông, châu Phi; tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các vùng, địa phương về tình hình sản xuất, sản lượng và tình hình xuất khẩu để hợp tác, xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…
Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong hiện tại cũng như tương lai. Vì vậy, khi hoạt động xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn sẽ tác động rất lớn đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì thế, tỉnh đã họp với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn, tìm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lưu ý các doanh nghiệp thủy sản hiện có một thị trường rộng lớn, đó là thị trường nội địa. Hiện mỗi năm sản lượng cả nước gần 1 triệu tấn tôm, trong đó tôm sú hơn 300.000 tấn nhưng xuất khẩu chỉ 150.000 tấn, như vậy 50% sản lượng tôm sú đang ở thị trường nội địa. Do đó, phải cân đối được vấn đề phục vụ trong nội địa và xuất khẩu, bởi giá thủy sản xuất khẩu bao giờ cũng thấp hơn so với giá thị trường trong nước.
Về lâu dài, cần giải quyết vấn đề sản xuất nguyên liệu còn nhỏ lẻ, nông hộ khiến việc đầu tư cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Đây không phải vấn đề đơn giản, nhưng phải nỗ lực để có được hệ thống sản xuất ổn định và truy xuất được nguồn gốc. Từ đó, mới có thể tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường khó tính.
Theo VASEP, năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tình hình lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm đã tác động xấu đến tình hình sản xuất trong nước; chi phí sản xuất, bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công đều tăng cao… Theo đó, quý 1-2023, xuất khẩu thủy sản đã sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt khoảng 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả sản phẩm, thị trường chính.