Ngày 5-7, tại thành phố Long Xuyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh An Giang tổ chức Diễn đàn "Phát triển sản xuất nấm ăn theo hướng công nghệ cao".
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ở khu vực ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam bộ có tiềm năng lớn về sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, do có nguồn nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp dùng để trồng nấm rất phong phú, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi cho phát triển các loại nấm và có thể trồng nấm quanh năm.
Ngoài ra, Việt Nam đã cơ bản làm chủ được công nghệ nhân giống và sản xuất nấm, đối với các loại nấm chủ lực như: mộc nhĩ, nấm rơm, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm linh chi các loại... về thị trường tiêu thụ nấm cũng ngày càng rộng mở. Để việc trồng nấm phát triển ổn định, các tỉnh ĐBSCL đã trao đổi những kỹ thuật, công nghệ mới về sản xuất nấm không cần thanh trùng giá thể, phương pháp xử lý phụ phẩm nông nghiệp như rơm, mạt cư, bả mía, bông vải... làm giá thể để trồng nấm. Trong đó, vấn đề được quan tâm là đổi mới công nghệ trồng nấm, đưa cơ giới hóa và tự động hóa vào sản xuất nấm, hướng tới trồng nấm sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…
Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nấm là mặt hàng thực phẩm quý; thực tế, nghề trồng nấm đã phát triển rộng khắp các tỉnh phía Nam và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, cả nước sản xuất khoảng 16 loại nấm; riêng các tỉnh phía Nam chủ yếu trồng nấm rơm, nấm mộc nhĩ; các tỉnh phía Bắc trồng nấm hương, nấm sò, nấm linh chi... với sản lượng nấm hàng năm đạt khoảng 250.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 25 - 30 triệu USD (không tính xuất khẩu tiểu ngạch). Điều đáng mừng là giá nấm bào ngư tươi xuất khẩu đạt 2.600 USD/tấn, khá cao so với một số loại nông sản khác. Chưa kể trồng nấm còn giải quyết được vấn đề môi trường do lượng lớn phế liệu, phế phẩm nông nghiệp tạo ra; đồng thời giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tới đây, các địa phương cần ứng dụng công nghệ cao để đẩy mạnh sản xuất nấm chất lượng…