PV Báo SGGP đã phỏng vấn Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về xu hướng, nhu cầu sử dụng VLXD mới hiện nay?
Ông PHẠM VĂN BẮC: Thời gian qua, trong xây dựng có sự xuất hiện của vật liệu mới hướng đến tính năng cao hơn, tính thẩm mỹ tốt hơn, giá thành rẻ hơn, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản hơn. Thí dụ, về lĩnh vực vật liệu xây, chúng ta đã sản xuất và sử dụng gạch bê tông khí chưng áp, một sản phẩm có thành phần chủ yếu là vôi, cát hoặc vôi và tro bay với khối lượng thể tích chỉ khoảng một nửa so với gạch đặc nung cùng mác, có ưu điểm về tính chất nhiệt, có thể chế tạo tấm lớn để tăng tốc độ thi công tại hiện trường. Chúng ta cũng đã có sản phẩm tấm tường bê tông rỗng, sản xuất theo công nghệ đùn ép, được ứng dụng ở nhiều công trình đem lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật tốt.
Ở lĩnh vực thủy tinh, các doanh nghiệp trong nước cũng đã làm chủ động được công nghệ sản xuất kính Low-E và Solar Control, giúp tiết kiệm năng lượng rất lớn. Về vật liệu ốp lát nhân tạo, chúng ta cũng đã có những sản phẩm thay thế một phần đá ốp lát tự nhiên. Ở lĩnh vực bê tông xi măng, loại bê tông tính năng siêu cao cũng đã được nghiên cứu, ứng dụng ở Việt Nam với cường độ nén gấp 4 lần bê tông thông thường, được ứng dụng vào các kết cấu mỏng, nhịp lớn như dầm, mặt cầu, mương máng thủy lợi…
Việc sản xuất, sử dụng những VLXD mới đang được triển khai như thế nào? Có khó khăn vướng mắc gì trong việc ứng dụng rộng rãi những sản phẩm này không, thưa ông?
Thực tế cho thấy, việc sản xuất các loại VLXD mới đòi hỏi đầu tư lớn, việc tiếp thị các sản phẩm vật liệu mới ra thị trường cũng đòi hỏi phải có thời gian. Tâm lý khách hàng e ngại khi dùng các loại vật liệu mới cũng là một trở ngại trong quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giá thành một số loại vật liệu mới có thể cao hơn nên cũng khó cạnh tranh so với các loại vật liệu khác.
Giá thành cao có thể là một cản trở rất lớn để VLXD mới đi vào thị trường, vậy Bộ Xây dựng có giải pháp gì để khuyến khích sản xuất VLXD mới giá rẻ, có thể ứng dụng trong xây dựng nhà ở xã hội nhằm giảm giá thành?
Thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã giao nhiều nhiệm vụ khoa học cho các cơ quan liên quan nghiên cứu, sản xuất ra các loại vật liệu mới như: gạch geo-polymer, gạch sử dụng nguyên liệu là các loại phế thải công nghiệp như bùn đỏ, tro bay nhiệt điện; bê tông siêu tính năng; tấm thạch cao từ sản phẩm thải ra của các nhà máy sản xuất phân bón… Bước đầu, sản phẩm của các đề tài nghiên cứu cho thấy có hiệu quả kinh tế kỹ thuật và hứa hẹn ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã chủ trì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản nhằm thúc đẩy phát triển các loại VLXD mới tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản như: Nghị định 09/NĐ-CP về quản lý VLXD, Chỉ thị 08/CT-TTg về đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao… Việc tận dụng phế thải công nghiệp trong sản xuất VLXD góp phần hạ giá thành sản phẩm và khi sử dụng các sản phẩm này sẽ giúp giảm chi phí tổng thể cho công trình, có ý nghĩa đối với các dự án nhà ở xã hội.
Trong các loại VLXD, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đã được triển khai từ 10 năm nay. Đến thời điểm này, chương trình đã thu được kết quả như thế nào?
Đến nay, cả nước đã có trên 1.600 cơ sở sản xuất VLXKN, tổng công suất thiết kế trên 10 tỷ viên. Kết quả này đã đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra khi xây dựng chương trình. Với sản lượng trên, hàng năm chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m3 đất sét, tương đương 375ha đất khai thác ở độ sâu 2m, giảm tiêu thụ khoảng 750.000 tấn than và giảm thải ra môi trường khoảng 2,85 triệu tấn CO2. Đây là kết quả ấn tượng góp phần giảm thải gây ô nhiễm môi trường và giảm quá trình suy giảm diện tích đất nông nghiệp ở nước ta. Điều đặc biệt là các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát thiết kế đã tiến tới chủ động trong việc đưa sản phẩm VLXKN vào công trình xây dựng không bị ràng buộc bởi các quy định bắt buộc trong các chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp mới chỉ phát huy được khoảng trên 40% công suất thiết kế, chiếm trên 25% so với tổng sản lượng vật liệu xây. Chúng ta vẫn còn phải tiếp tục khuyến khích sử dụng loại vật liệu này.
Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đặt ra rất nhiều mục tiêu như: sẽ tạo ra các sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả… Bộ Xây dựng có lộ trình thực hiện các mục tiêu này như thế nào?
Trong năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách phát triển sản xuất, sử dụng gạch theo công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bảo vệ môi trường. Tiếp đó, trong năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia tăng cường sử dụng các loại chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng. Đây là chương trình hướng đến sử dụng hầu hết các loại chất thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp làm nguyên liệu và nhiên liệu sản xuất VLXD.
Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành định mức sử dụng năng lượng trong sản xuất VLXD hướng đến các mục tiêu cụ thể đặt ra trong chiến lược phát triển VLXD Việt Nam. Như vậy, trong tương lai gần, các VLXD mới sẽ được sản xuất nhiều hơn, giá thành hạ hơn, dần thay thế cho các VLXD cũ.