Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường, gồm: Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường đối với chất lượng không khí xung quanh, tiếng ồn và độ rung, nước mặt, nước dưới đất, nước biển, nước mưa, đất, trầm tích; Quy định về kỹ thuật quan trắc các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định của Công ước Stockholm và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa POP; Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường đối với nước thải, khí thải công nghiệp, bùn thải từ hệ thống xử lý nước... Thông tư này có hiệu lực từ tháng 8-2021.
Ngoài ra, thông tư cũng quy định chi tiết về kỹ thuật quan trắc chất lượng môi trường định kỳ. Đối với quan trắc chất lượng nước mặt tối thiểu phải lựa chọn các thông số: pH, TSS, DO, COD, BOD5, NH4 +; lựa chọn tổng Nitơ hoặc NO3 -; lựa chọn tổng Photpho hoặc PO4 3-; tổng Coliforms với tần suất quan trắc tối thiểu 2 tháng/đợt (6 đợt/năm). Đối với quan trắc chất lượng nước dưới đất tối thiểu phải lựa chọn các thông số: pH, TDS, chỉ số pecmanganat, NH4 +, NO3 -, Fe, As với tần suất quan trắc tối thiểu 3 tháng/đợt (4 đợt/năm).
Đối với quan trắc chất lượng nước biển tối thiểu phải lựa chọn các thông số: pH, DO, TSS, NH4 +, PO4 3-, dầu mỡ khoáng, với tần suất quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tối thiểu 2 tháng/đợt (6 đợt/năm); các thông số pH, As, Cd, dầu mỡ khoáng cho nước biển gần bờ và nước biển xa bờ với tần suất tối thiểu 2đợt/năm. Đối với quan trắc nước mưa cần căn cứ vào mục tiêu quan trắc và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định các thông số cần quan trắc.