Giảm chi phí sản xuất, nâng giá trị nông sản
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết, sau gần 8 năm thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Chương trình NNƯDCNC), gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp với sự tập trung quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chương trình đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Nhiều nơi đã hình thành được vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất, chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng.
Nông dân Nguyễn Văn Đát (huyện Vĩnh Hưng), chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi làm cật lực nhưng mỗi vụ chỉ thu được khoảng 160 triệu đồng trên 8ha lúa (sau khi trừ chi phí), đủ để trang trải cho 4 miệng ăn. Giờ làm lúa theo chương trình NNƯDCNC, tất cả các khâu được cơ giới hóa, chi phí sản xuất giảm, thu nhập tăng lên, nhờ vậy mỗi năm gia đình tôi tích lũy được vài chục triệu đồng”. Ở các huyện Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường, những năm qua đã có hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu nhờ áp dụng các mô hình sản xuất, nuôi trồng mới ứng dụng KH-CN.
Vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ cao ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An |
Phát huy các thế mạnh, tiếp nối những kết quả đạt được bước đầu, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã và đang rà soát, bổ sung quy hoạch chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi mang lại kinh tế cao; chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap… nhằm mục đích nâng cao giá trị trên từng đơn vị đất sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chủ trương trên, tại huyện Tân Thạnh, những năm gần đây, bà con nông dân chủ động chuyển đổi hơn 1.200ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái chuyên canh sầu riêng, bưởi da xanh, chanh không hạt…
“Tỉnh Long An đang tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng giúp nhà nông tăng năng suất, lợi nhuận; sản phẩm tạo ra có chất lượng cao; nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường”, ông Truyền nhấn mạnh.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Chương trình NNƯDCNC tại Long An bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, việc phát triển NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn nhân lực chưa bảo đảm về trình độ, kinh nghiệm; nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất NNƯDCNC chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, việc thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển NNƯDCNC chưa được quan tâm đúng mức. Long An có nhiều loại nông sản đặc trưng, chủ lực như lúa, thanh long, chanh, khoai, khóm, nhưng hầu hết chưa qua chế biến sâu nên giá trị chưa cao. Để khắc phục hạn chế này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều đề án, chương trình thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị nông sản, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong đó, Sở NN-PTNT tỉnh Long An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển ngành chế biến rau quả và thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp vùng ĐBSCL, chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục nghiên cứu và tham mưu UBND tỉnh xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tích hợp trong quy hoạch tỉnh; xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, địa phương đang huy động mọi nguồn lực nhằm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là NNƯDCNC; thu hút nguồn nhân lực; công tác bảo vệ môi trường cho các vùng sản xuất NNƯDCNC; công tác đầu tư hạ tầng vùng sản xuất NNƯDCNC đảm bảo cho vận chuyển vật tư, hàng hóa; đặc biệt là công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng - cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu, chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Tỉnh Long An đã xây dựng các vùng sản xuất NNƯDCNC gồm 7 vùng trồng lúa, 1 vùng trồng chanh, 1 vùng trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo kế hoạch, đến năm 2025, ít nhất 50% HTX sản xuất NNƯDCNC hoạt động có hiệu quả.