Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025 chỉ có 10 triệu dân nhưng hiện tại dân số đã lên đến con số 13 triệu người. Để giải quyết bài toán về dân số chỉ có thể phát triển đô thị nén.
Nén dọc các trục giao thông
Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã gây nên tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng tại TPHCM, nhất là khu vực phía Nam. Vì thế, trong quá trình điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng cũng như các quy hoạch thành phần, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các chuyên gia đang hướng đến việc tổ chức không gian theo mô hình định hướng giao thông vận tải công cộng (TOD), tức là nén theo cụm dọc các hàng lang giao thông, hạn chế phát triển tràn lan. Ý tưởng này được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ủng hộ và đi kèm với đô thị nén, dứt khoát phải phát triển hệ thống giao thông công cộng để kết nối các đô thị.
Tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào ngày 16-8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay, TPHCM đã khép kín tuyến đường vành đai 2 và 3, tập trung phát triển giao thông công cộng để tháo gỡ ùn tắc ở một số khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái... Thành phố cũng thúc đẩy việc xây dựng các tuyến metro bằng nguồn vốn vay (ODA, PPP…) là chủ yếu vì vốn ngân sách không đủ khả năng. Tuy nhiên, vừa qua nguồn vốn ODA cũng gặp khó khăn nên đã phải ứng vốn ngân sách cho nhà thầu để tiếp tục thi công. Qua đó cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc xây dựng và thúc đẩy loại hình giao thông công cộng.
Dự án Metron Bến Thành - Suối Tiên sắp hoàn thiện
Hiện tại, TPHCM đang triển khai tuyến metro số 1 (Bến Thành - depot Long Bình) với tổng vốn lên đến 47.325 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 7 tuyến khác là tuyến số 3a (Bến Thành - Tân Kiên), tuyến số 3b (ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước), tuyến số 4 (Thạnh Xuân - Hiệp Phước), tuyến số 4b (Công viên Gia Định- Lăng Cha Cả), tuyến số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm) và tuyến số 5 (Bến xe Cần Giuộc, Long An - cầu Sài Gòn). Bên cạnh 8 tuyến metro, theo “Quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM đến năm 2025” sẽ có 6 tuyến buýt nhanh (BRT) dọc các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh, Vành đai 2, Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong - Nguyễn Văn Linh, Quang Trung. Ngoài ra, để kết nối giao thông ngoại vùng còn có các tuyến BRT nối TPHCM với TP Biên Hòa, sân bay Long Thành, tỉnh Long An và Bình Dương.
Ngoài ra, sau nhiều năm chuẩn bị, buýt đường sông cũng đã hình thành và đang khẩn trương chuẩn bị đưa vào sử dụng 2 tuyến đầu tiên từ Linh Đông (quận Thủ Đức) về bến Bạch Đằng (quận 1) và từ bến Bạch Đằng đi Lò Gốm (quận 6). Đây là những phương tiện giao thông công cộng mới và có sức chuyên chở lớn.
Như vậy, ngoài xe buýt là phương tiện giao thông công cộng chủ đạo, sắp tới người dân thành phố sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn và trải nghiệm mới. Và nhìn tổng thể thì hệ thống vận tải công cộng của thành phố cơ bản đã kết nối xuyên suốt các khu vực.
Kết nối ngoại vi
Không chỉ giải quyết nhu cầu của nội thành, hệ thống giao thông công cộng còn giúp kết nối ngoại vi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong số 10 chương trình chiến lược về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng TPHCM, do Bộ Xây dựng dự thảo, có 8 chương trình về giao thông công cộng, đó là phát triển các tuyến đường vành đai 1 - 2 và 3, phát triển giao thông công cộng vùng trung tâm, phát triển hệ thống đường sắt nội đô và liên kết vùng, phát triển hệ thống cảng biển, phát triển các tuyến quốc lộ hướng tâm, phát triển các tuyến đường cao tốc liên vùng, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, tăng cường hệ thống giao thông thủy kết nối quốc tế và ĐBSCL.
Trên thực tế, khi giá cả nhiên liệu, thuế phí… ngày càng leo thang thì di chuyển bằng các phương tiện công cộng đã được nhiều người dân sớm nghĩ đến nhưng lại e ngại việc sử dụng do hiệu quả của các phương tiện này chưa cao. Cho nên, khi hệ thống giao thông công cộng được phát triển đồng bộ, kết nối tốt sẽ thu hút được sự tham gia của người dân.
GIẢI ĐÁP THÔNG TIN quy hoạch
Dưới đây là phần giải đáp thông tin quy hoạch mà bạn đọc Báo SGGP đã hỏi trong buổi giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc của báo với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM
* Quy hoạch hành lang bảo vệ sông, kênh rạch có được điều chỉnh không? Những tuyến kênh ở Nhà Bè chỉ rộng trên dưới 10m có chừa hành lang bảo vệ không? (Bạn Võ Thị Ánh - xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM)
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM:
Về quy định quản lý, sử dụng hành lang bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn TPHCM, UBND TP đã ban hành Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 18-4-2017 thay thế Quyết định số 150/2004/QĐ-UBND ngày 9-5-2004. Quyết định này đã quy định cụ thể hành lang bảo vệ đối với từng loại rạch, Bạn đọc có thể truy cập website của UBND TPHCM để xem thêm quyết định này.
Theo quy định tại Mục 2 Điều 5 Chương II quy định kèm theo quyết định trên: “Đối với sông, kênh, rạch, mương có chức năng thoát nước thuộc danh mục được cấp có thẩm quyền công bố, thuộc quy hoạch chi tiết về thoát nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc giữ lại theo quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chiều rộng từ 5 -15m thì chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ là 7m mỗi bên”.
* Nhà tôi ở số C7/30C16 ấp 4a xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, nằm trong khu chức năng số 7 Nam Sài Gòn. Xin cho biết, quy hoạch hiện nay của khu chức năng số 7 như thế nào?
(Bạn đọc Nguyễn Minh Khánh, Email: minhkhanh7970@yahoo.com.vn)
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM:
Khu dân cư - Khu số 7, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố đã được Ban quản lý khu Nam phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 56/QĐ-BQL ngày 9-5-2005.
Hiện nay, một phần khu số 7 (phía Bắc đường Nguyễn Văn Linh và phía Đông đường Phạm Hùng) có diện tích 30,6ha đã được UBND TP chấp thuận chủ trương lập Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị tại khu vực có mật độ dân cư cao (theo Công văn số 1095/UBND-ĐTMT ngày 4-3-2015 và số 5767/UBND-ĐTMT ngày 15-10-2016). Theo đó, trong giai đoạn ngắn hạn khu vực đông dân cư xác định ranh khu vực chỉnh trang, tiến hành lập Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị, phục vụ cho yêu cầu quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch trên địa bàn. Về lâu dài vẫn đảm bảo việc triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng phù hợp quy hoạch Khu đô thị mới Nam thành phố, Ban quản lý khu Nam đang tổ chức lập quy chế đối với khu vực trên.
Do ông không gửi kèm theo bản đồ hiện trạng nên Sở Quy hoạch - Kiến trúc chưa thể xác định rõ vị trí, ranh giới, pháp lý quy hoạch tại vị trí nhà của ông. Đề nghị ông liên hệ Ban quản lý khu Nam (địa chỉ 9 - 11 đường Tân Phú, quận 7, TPHCM) để biết thông tin về quy hoạch đối với vị trí căn nhà trên.
* Nhà tôi ở số 30 Kim Biên, mặt tiền đường Kim Biên nhưng bên hông là đường Bãi Sậy. Toàn bộ căn nhà của tôi nằm hoàn toàn trong lộ giới mở rộng đường Bãi Sậy và quy hoạch này đã kéo dài 22 năm (đường Bãi Sậy gồm 2 phần: đoạn thuộc quận 5 dài 300m, từ đường Kim Biên đến đường Ngô Nhân Tịnh; đoạn còn lại thuộc quận 6 từ đường Ngô Nhân Tịnh đến đường Lò gốm). Năm 2008, tôi nghe nói quận 5 và Sở QH-KT bỏ quy hoạch này và điều đó được thể hiện rõ trên Bản đồ tỷ lệ 1/2000 Khu liên phường 13-14-15 của quận 5 và Sở QH-KT phê duyệt tại công văn số 70/KQTĐ-SQHKT ngày 4-1-2008. Nay tôi xin được hỏi đã bỏ quy hoạch lộ giới đường Bãi Sậy hay chưa? Vì hiện nay, tôi lên UBND quận 5 xin xác nhận nhà tôi không còn nằm trong quy hoạch nữa thì UBND quận 5 vẫn xác nhận, nhà hoàn toàn nằm trong lộ giới.
(Hoàng Đức Toán, Email: minhkhanh85@gmail.com)
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM:
Về chức năng sử dụng đất tại số 30 Kim Biên, phường 13, quận 5, trong văn bản số 2164/ SQHKT-QHKV1 ngày 12-5-2017 đã xác định: “Căn cứ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư liên phường 13, 14, 15 được UBND quận 5 phê duyệt tại Quyết định số 703/QĐ-UBND ngày 31-1-2008, phần lớn diện tích khu đất thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu, phần diện tích còn lại thuộc quy hoạch lộ giới (vạt góc giao lộ Kim Biên và Bãi Sậy)”.
Sơn Lam (ghi)