Chiều 8-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết mới của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Thảo luận về những cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nhất trí cao về việc cần ban hành một nghị quyết mới với các cơ chế, chính sách đặc thù đột phá để thúc đẩy phát triển TPHCM.
Theo ĐB, việc này nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới như đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị.
ĐB Nguyễn Phương Thủy. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Nguyễn Phương Thủy đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TPHCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.
Cụ thể, Quốc hội có thể phân quyền cho HĐND TPHCM được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quyết định việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp thành phố và cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc; phân định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy định về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp trên và UBND cấp dưới; quy định về tiêu chuẩn, định mức tối thiểu về số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định tổng biên chế đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.
Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận chiều 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB cũng đề nghị thêm, phân quyền cho UBND TPHCM được chủ động điều chỉnh, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc tùy theo quy mô dân số, yêu cầu quản lý và đặc điểm địa bàn bảo đảm không vượt mức tổng biên chế đã được HĐND TPHCM quyết định.
ĐB Nguyễn Phương Thủy cho rằng, việc phân quyền cho TPHCM tự quyết định các vấn đề về tổ chức bộ máy sẽ đáp ứng được nhiều yêu cầu thực tiễn của thành phố. Trong đó, tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý, giúp thành phố có thể áp dụng các giải pháp mới, thử nghiệm các mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu quản lý nhà nước tại mỗi thời kỳ.
Ngoài ra, việc phân quyền sẽ làm tăng khả năng đáp ứng nhanh chóng, kịp thời đối với các quyết định về vấn đề tổ chức bộ máy, về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được đưa ra ở cấp địa phương. Đồng thời, tăng tính sáng tạo, linh hoạt trong việc tìm kiếm và áp dụng các giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp với tình hình, đặc thù và nhu cầu của địa phương. Điều này, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy và mức độ phản ứng kịp thời với những biến chuyển tình hình thực tiễn của TPHCM.
Cơ chế, chính sách đột phá phát triển TPHCM
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, cần chỉnh lý lại tên dự thảo nghị quyết thành "Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá phát triển TPHCM".
Đồng thời, ĐB Hà Sỹ Đồng đề nghị đưa nội dung xây dựng mô hình chính quyền đô thị của TPHCM vào dự thảo này hoặc đề xuất vào một văn bản quy phạm pháp luật khác vì trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội chưa đề cập.
ĐB Hà Sỹ Đồng. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trong thu hút, lựa chọn, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐB Hà Sỹ Đồng đề nghị cần làm kỹ hơn và có cơ chế thông thoáng theo tư duy công nghiệp hiện đại để có thể thu hút, trọng dụng nhân tài.
Đồng thời qua cơ chế, chính sách đột phá sẽ tập trung các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu khu vực. ĐB đề xuất, nếu nghị quyết được Quốc hội ban hành thì cần giao cho Chính phủ ban hành các chính sách và chỉ đạo triệt để thực hiện vấn đề này.
Về khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng cần dành cho TPHCM một quy chế đặc biệt để phục vụ khoa học công nghệ cao, chuyển đổi số và các vấn đề liên quan đến phát triển công nghệ cao hàng đầu cả nước.
Cần nghiên cứu có luật đô thị đặc biệt
Riêng TP Thủ Đức, với mục tiêu hình thành khu đô thị sáng tạo, là hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ĐB Nguyễn Phương Thủy nhìn nhận, các nội dung phân quyền như thể hiện trong dự thảo nghị quyết chưa thể tạo được những đột phá căn bản.
Do đó về lâu dài, ĐB Nguyễn Phương Thủy tán thành với ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa về việc cần nghiên cứu xây dựng luật về các đô thị đặc biệt để có những cơ chế mạnh mẽ, vượt trội hơn nhằm phát triển các đô thị trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.