
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật (gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công); việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; cùng một số nội dung liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, phương pháp luận trong xây dựng và hoàn thiện thể chế; phản ứng chính sách nhanh, linh hoạt, phù hợp thực tiễn và hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng yêu cầu phát triển. Thủ tướng yêu cầu tuân thủ nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối, đồng thời rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bảy luật, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; thiết kế cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành và địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Quản lý các dự án theo mục tiêu: bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, không để xảy ra đội vốn do yếu tố chủ quan, đồng thời phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đối với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước.
Về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu thiết kế cơ chế, chính sách vượt trội, thông thoáng, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm tài chính khu vực, đồng thời có công cụ kiểm soát hiệu quả nhằm bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".