Ngày 10-10, tại Cao Bằng, Bộ KH-CN phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị giao ban KH-CN vùng trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XIX - năm 2024 với chủ đề “Pác Bó: Cội nguồn cách mạng - miền núi, trung du phía Bắc giữ gìn bản sắc, hướng tới tương lai”. Thứ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Minh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy đồng chủ trì.
Hội nghị giao ban KH-CN vùng trung du và miền núi phía Bắc là hoạt động thường niên của Bộ KH-CN với 14 tỉnh trong vùng, với mục tiêu đánh giá kết quả hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) của vùng và từng địa phương trong vùng; là dịp để các tỉnh đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo khí thế và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng tỉnh và toàn vùng; đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế, có khả năng liên kết; góp phần đưa vùng trung du và miền núi phía Bắc thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy nhấn mạnh về những đóng góp quan trọng của lĩnh vực KH-CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng. Thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp ĐMST, giúp tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. Nhiều dự án KH-CN trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được triển khai và phát huy hiệu quả, gắn với thực tiễn, có tính cấp thiết, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.
Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai 55 nhiệm vụ KH-CN trên các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học y, dược. Năm 2024, tỉnh đề xuất với Bộ KH-CN thực hiện 5 nhiệm vụ thuộc Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 1 dự án thuộc Chương trình KH-CN cấp quốc gia đến năm 2030…
Báo cáo tại hội nghị cho biết, giai đoạn 2022-2024, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn có tác động trực tiếp đến hoạt động KH-CN và ĐMST. Các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH-CN, ĐMST trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp.
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH-CN, ĐMST được ban hành; nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ tìm kiếm công nghệ, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ và kỹ thuật, đổi mới công nghệ trên các ngành, lĩnh vực chủ lực, trọng điểm; kế hoạch và giải pháp cải thiện chỉ số ĐMST cấp địa phương được đề ra.
Đã có 86 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia với tổng kinh phí thực hiện là 636,1 tỷ đồng được thực hiện tại 14 tỉnh trong vùng. Nhiều kết quả KH-CN, tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành dịch vụ, văn hóa, du lịch... tại địa phương. Các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương được quan tâm, chú trọng đầu tư, khai thác và phát triển; nhiều sản phẩm đã phát huy giá trị kinh tế cao, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương. Đồng thời thảo luận những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể trong thực hiện kế hoạch phát triển KH-CN, ĐMST của từng địa phương và toàn vùng giai đoạn 2024-2026; giải pháp cải thiện bộ chỉ số ĐMST, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ; đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách về KH-CN, ĐMST, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực KH-CN đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Đánh giá cao sự nỗ lực và các kết quả hoạt động KH-CN, ĐMST tại các địa phương trong vùng thời gian qua, Thứ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Minh đề nghị các Sở KH-CN trong vùng tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển KH-CN, ĐMST tại địa phương; các đơn vị trực thuộc tham mưu cho lãnh đạo Bộ KH-CN tập trung rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách thuận lợi cho hoạt động KH-CN, ĐMST của vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Thứ trưởng Hoàng Minh cũng đề nghị các Sở KH-CN trong vùng triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực có lợi thế của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết địa phương, liên kết vùng, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về KH-CN, ĐMST; chú trọng đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH- CN; tiếp tục triển khai và nghiên cứu giải pháp cải thiện Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương…
Cùng với Hội nghị giao ban KH-CN vùng trung du và miền núi phía Bắc năm 2024; trong dịp này, Bộ KH-CN đã phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” và Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất - Techfest Cao Bằng năm 2024.