Thiếu điều kiện sản xuất thử nghiệm
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, Nhóm kỹ thuật quá trình bền vững (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, ngành nông nghiệp hiện nay có tỷ trọng đóng góp rất lớn trong nền kinh tế lẫn xuất khẩu. Đặc biệt là ngành có vai trò quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, ngành này đang đối diện với nhiều thách thức, đó là lạm dụng thuốc trừ sâu, các vấn đề về giống, chưa áp dụng CNC vào sản xuất… dẫn đến thất thoát, lãng phí lên tới 3,9 tỷ USD/năm.
Trong khi đó, các nghiên cứu từ viện, trường chỉ xoay quanh ở phòng thí nghiệm nhỏ lẻ, không đủ không gian để sản xuất thử nghiệm. Đơn cử, Nhóm kỹ thuật quá trình bền vững đã nghiên cứu nhiều loại thuốc, phân bón hữu cơ nhưng thiếu cơ sở phát triển để thương mại hóa với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong khi trên thị trường, hàng nhập khẩu có giá rất cao nên người nông dân khó tiếp cận.
TS Nguyễn Hữu Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng CNC trong nông nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng: “Ngành nông nghiệp hiện nay đối diện với nhiều thách thức như năng suất lao động thấp do không có thị trường ổn định, thiếu định hướng chiến lược, thiếu vốn lẫn công nghệ nền tảng, thiếu nhân lực có chuyên môn cao, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nền tảng pháp lý chưa chặt chẽ. Do đó, việc ứng dụng CNC trong nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp là vấn đề cấp bách”.
Dẫn chứng thực tế, TS Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, hiện nông dân trồng dưa lưới cứ đến gần thu hoạch là bùng phát bệnh gây thối, hư cả trái lẫn cây. Điều này chính là do chưa áp dụng CNC vào sản xuất. Nếu dùng tiến bộ khoa học kỹ thuật như máy đo cảm quan, khí quan, sẽ giúp nông dân tránh được các bệnh này, bởi nguyên nhân chính là do nắng quá nhiều, nhiệt độ quá cao. Từ thực tế này, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng CNC trong nông nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên đề xuất cần có trung tâm nông nghiệp CNC để vừa đào tạo nhân lực có chuyên môn, liên kết với doanh nghiệp, vừa nghiên cứu về cây giống, con giống, nghiên cứu bệnh học phân tử của thực vật… phục vụ ngành nông nghiệp nói riêng và cộng đồng nói chung.
Theo PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), hiện nay chủ trương là phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tuần hoàn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ sinh học thực vật 4.0 để nâng cao chất lượng, sản lượng cho cây trồng, vật nuôi là cần thiết. Thế nhưng, do thiếu chuỗi liên kết giữa nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp nên rất khó áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nếu có áp dụng thì cũng nhỏ lẻ và chi phí rất cao. Chính vì vậy, việc xây dựng một khu chuyên nghiên cứu, kết hợp sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm về giống, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón sinh học để phục vụ doanh nghiệp, nông dân là rất cần thiết.
“Chúng ta chưa nghĩ đến những vấn đề quá lớn như nghiên cứu gen, các giống mới… nhưng trước mắt phải có nơi để các nhà khoa học nghiên cứu, có doanh nghiệp để liên kết nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của ngành nông nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo nhấn mạnh.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, từ những kiến nghị của các nhà khoa học và doanh nghiệp cùng thực tế ngành nông nghiệp, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ giao Ban Khoa học công nghệ xây dựng ngay đề án để thành lập Khu vườn ươm nông nghiệp CNC tại Khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM. Từ năm 2023-2025, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ chi 1.200 tỷ đồng để đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên sâu, đẩy mạnh nghiên cứu, kết hợp với doanh nghiệp để triển khai ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Trong đó, Khu vườn ươm nông nghiệp CNC sẽ thành lập và phát triển theo mô hình quốc tế - thực hiện đào tạo, nghiên cứu, kết hợp với doanh nghiệp để sản xuất thực nghiệm và chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Đây là nhiệm vụ chiến lược tầm quốc gia nên khi quyết định đầu tư phải cam kết sử dụng hiệu quả để tránh lãng phí đầu tư từ ngân sách”, PGS.TS Vũ Hải Quân khẳng định.
Theo PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng Ban Khoa học công nghệ, ĐH Quốc gia TPHCM, hiện có 26 đề xuất của các nhóm nghiên cứu với diện tích 7,6ha. Trên cơ sở những đề xuất này, Ban Khoa học công nghệ sẽ xây dựng đề án xây dựng Khu vườn ươm nông nghiệp CNC theo mô hình kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu, liên kết với các doanh nghiệp, địa phương để áp dụng sản xuất. Cùng đó, sẽ kết hợp với dự án tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ hơn 9 triệu USD để phát triển nhân lực trình độ cao ngành nông nghiệp cho khu vực ĐBSCL.
Là trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM từ năm 2019, PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, nhìn nhận, vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Là trường đóng tại ĐBSCL nên nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ nông nghiệp cho khu vực là rất quan trọng.
“Với thế mạnh hiện có về nguồn nhân lực của ĐH Quốc gia TPHCM là các nhà khoa học, nguồn lực về cơ sở vật chất cùng với quyết tâm cao, chúng tôi kỳ vọng sẽ có một khu vườn ươm nông nghiệp CNC gắn với đào tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng vào thực tế”, PGS.TS Võ Văn Thắng chia sẻ.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Dự án Khu vườn ươm nông nghiệp CNC phải đáp ứng được 2 yêu cầu: nghiên cứu phải đồng hành với nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất thực tế và theo đúng chủ trương, chính sách của nhà nước về phát triển nông nghiệp bền vững. Các nghiên cứu phải mang tính dẫn dắt, giải quyết được vấn đề bức thiết hiện tại và dự báo được những yêu cầu của tương lai. Đặc biệt, dự án phải tính toán đến vấn đề chi cho con người, cho hoạt động như thế nào và khai thác hiệu quả các đề tài. |