Chiều 22-12, đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM về nội dung tổng kết công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
TPHCM đóng góp lớn vào thành quả chung của cả nước
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, công tác phát triển khoa học và công nghệ thành phố trong những năm qua đã có những bước tiến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước đưa TPHCM trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao công nghệ của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: THU HƯỜNG |
Thành phố luôn năng động, kịp thời trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, kết nối hệ sinh thái, tăng cường hoạt động truyền thông, hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực phục vụ phát triển thành phố.
Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao trong thời gian qua, đạt trung bình 35,62%. Trong đó, đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Đồng thời, trong giai đoạn 2011 – 2021, năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.
Mặt khác, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của TPHCM ngày càng hoàn thiện, bám sát nhu cầu thực tế. Các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thời gian qua đã góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại TPHCM tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Trong đó, TPHCM luôn nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới kể từ năm 2017 đến nay. Theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam được xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Việt Nam cũng duy trì thành công thứ hạng đã đạt được trong năm 2019 và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, tiếp tục năm trong Top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất. Theo đồng chí, bước tiến đáng kể này của Việt Nam có sự đóng góp rất lớn từ những nỗ lực của TPHCM.
Từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, Thành ủy TPHCM đã rút được ra các bài học kinh nghiệm. Trong đó, TPHCM xác định việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, TPHCM cũng còn một số hạn chế trong việc nghiên cứu, việc đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ có nơi, có lúc chưa được quan tâm; ứng dụng hiệu quả chưa cao; cơ chế quản lý khoa học dù có đổi mới nhưng chưa theo kịp. Ngoài ra, sự phát triển đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ chưa thực sự thoả đáng; việc nắm bắt, tổng hợp, đánh giá, dự báo chưa sát.
Tại buổi làm việc, đại diện Viện nghiên cứu Phát triển TPHCM, Sở KH-CN TPHCM, Học viện Cán bộ TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM… cũng chia sẻ về định hướng đào tạo, nghiên cứu khoa học và lý luận ở cơ quan, đơn vị mình.
TPHCM tập trung nghiên cứu các vấn đề thực tiễn
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thời gian qua, TPHCM tập trung nghiên cứu các vấn đề thực tiễn để có các công trình, chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết các bài toán đặt ra. Từ đó, thành phố đã có rất nhiều cách làm hay trong giải quyết các vấn đề về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THU HƯỜNG |
Lý giải lý do TPHCM đề xuất cơ chế chính sách để phát triển, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiện thành phố rất thiếu cơ chế. Đồng chí ví: Các tỉnh, thành hiện đang mặc chung một “cái áo” và “cái áo” này đang tạo cho TPHCM sự bức bối, cần phải được xem xét, ban hành cơ chế mới.
Theo đồng chí, mục tiêu của TPHCM là luôn giữ vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước, phải là trung tâm hàng đầu về khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo. TPHCM cũng đặt mục tiêu phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phải nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân. “Đó là mục tiêu và cũng là những vấn đề thực tiễn đặt ra với TPHCM để nghiên cứu giải quyết. TPHCM có nhiều khó khăn, điểm nghẽn nhưng những đề xuất của chúng ta chưa được lắng nghe”, đồng chí trăn trở và nhìn nhận, nguyên nhân của việc “chậm được lắng nghe” từ Trung ương, một phần cũng do cách thức nghiên cứu các đề xuất chưa đủ sức để tác động, để điều chỉnh thể chế, chính sách.
Đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan của TPHCM phải xem lại, tiếp cận lại vấn đề. Đồng thời, tập trung phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sâu những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc; phối hợp với các tỉnh, thành có những lĩnh vực đề xuất tương đồng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế để phát triển. Đồng chí tin tưởng, trên nền tảng nghiên cứu đó, các đề xuất, kiến nghị đặt ra với Trung ương sẽ thuận lợi hơn.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cũng tin tưởng, với sự hỗ trợ của Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM, các nghiên cứu, đề xuất của TPHCM sẽ có đủ sức để thuyết phục Trung ương ban hành các cơ chế chính sách phù hợp cho thành phố phát triển. Đồng thời khẳng định TPHCM sẽ quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho nguồn lực để thực hiện các công trình nghiên cứu cũng như khâu tổ chức thực hiện sau nghiên cứu.
GS.TS Lê Văn Lợi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THU HƯỜNG |
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, TPHCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm y tế, văn hóa, khoa nghệ và công nghệ - nơi tạo ra nguồn lực rất lớn. Theo GS.TS Lê Văn Lợi, lý luận là tổng kết từ kinh nghiệm mà thành và TPHCM đang hàng ngày, hàng giờ tổng kết kinh nghiệm để ra được các quyết sách thúc đẩy các lĩnh vực của thành phố phát triển.
GS.TS Lê Văn Lợi cũng nhìn nhận, với sự năng động của TPHCM sẽ là nơi xuất hiện nhiều vấn đề của cuộc sống. Đó là sự phân hoá giàu nghèo, hạ tầng cho các vùng ngoại ô, môi trường, đời sống công nhân… “Nếu nghiên cứu các vấn đề đó sẽ rất quý, không chỉ cho TPHCM mà cho cả nước”, PGS.TS Lê Văn Lợi đánh giá.
Cũng theo GS.TS Lê Văn Lợi, TPHCM phải có không gian, môi trường để đổi mới sáng tạo. Muốn vậy thì phải có thể chế, cơ chế phù hợp. Đồng thuận với giải pháp cùng các tỉnh, thành có tính tương đồng nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp, GS.TS Lê Văn Lợi cho rằng điều này vừa tạo luận cứ chặt chẽ vừa có tính thực tiễn, vừa có góc nhìn đa diện về lý luận. Từ đó, Trung ương sẽ có thêm căn cứ ban hành quyết sách phù hợp.