Đẩy mạnh mô hình trường học không sử dụng tiền mặt

Một trong những điểm nổi bật của mô hình “Trường học thông minh” năm học 2019-2020  là trường học không sử dụng tiền mặt. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh vấn đề này.
Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) sử dụng thẻ HĐTM điểm danh đầu giờ học
Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) sử dụng thẻ HĐTM điểm danh đầu giờ học

Năm học 2019-2020, mô hình “Trường học thông minh” với việc ứng dụng công nghệ thẻ chip hỗ trợ công tác quản lý, dạy học và sinh hoạt của học sinh được triển khai đồng loạt tại 5 trường THPT trên địa bàn TPHCM. Một trong những điểm nổi bật của mô hình này là trường học không sử dụng tiền mặt. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh vấn đề này.
 
Phóng viên: Thưa ông, TPHCM đã thí điểm mô hình “Trường học không sử dụng tiền mặt” từ năm học nào? Đến nay, công tác triển khai gặp những thuận lợi và khó khăn gì? 

Ông Lê Hoài Nam: Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Thực hiện quyết định trên, ngành GD-ĐT TPHCM đã bước đầu thí điểm mô hình “Trường học không sử dụng tiền mặt” từ năm học 2014-2015. Theo đó, mô hình thể hiện qua 2 hình thức: phụ huynh không thanh toán học phí bằng tiền mặt mà thông qua dịch vụ ngân hàng như ATM, Internet banking, chuyển khoản, thanh toán qua máy POS đặt tại trường… và học sinh sử dụng thẻ học đường thông minh (HĐTM) để điểm danh, vào thư viện, mua thức ăn, nước uống tại căng tin trường hoặc một số cửa hàng tiện lợi, đi xe buýt…

Tuy nhiên, do chủ trương còn khá mới nên hiện nay các trường đang triển khai song song 2 hình thức thanh toán học phí qua ngân hàng và thu tiền trực tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh. Đến nay, toàn TP đã có hơn 300 trường THCS và THPT triển khai áp dụng mô hình. Đặc biệt, trong năm học 2018-2019, thẻ HĐTM được thí điểm sử dụng đối với học sinh khối 7, Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8). Dự kiến trong năm học 2019-2020, trường này sẽ mở rộng áp dụng đối với học sinh toàn trường; đồng thời, TP cũng nhân rộng thêm 5 trường THPT triển khai mô hình.  

Việc triển khai dùng thẻ HĐTM nhằm định hướng giáo dục cho học sinh kỹ năng, cũng như thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt; qua đó, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các tình huống xấu do sử dụng tiền mặt phát sinh. Ngoài ra, thẻ HĐTM được xem là thẻ phụ, phát hành dựa trên tài khoản thẻ thanh toán chính của phụ huynh. Khi học sinh sử dụng thẻ để thanh toán thì ngay lập tức, cha mẹ các em sẽ nhận được tin nhắn báo con em mình đang dùng thẻ để mua sắm cái gì, số tiền bao nhiêu. Điều này giúp phụ huynh quản lý con em mình tốt và chặt chẽ hơn. 

Bên cạnh đó, khi thực hiện chủ trương “trường học không sử dụng tiền mặt”, giáo viên không còn kiêm nhiệm việc nhắc nhở và thu học phí của học sinh, nhà trường cũng giảm áp lực về nhân sự và thời gian sau mỗi đợt thu học phí. Riêng phụ huynh tiết kiệm được thời gian và công sức vì không phải trực tiếp đến trường để đóng học phí và các khoản thu khác. 

Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt hiện nay vẫn còn khá phổ biến trong xã hội, nhiều phụ huynh chưa rành sử dụng các thiết bị công nghệ nên có tâm lý ngại dùng thẻ. Do đó, việc triển khai “Trường học không sử dụng tiền mặt” được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, phụ huynh nào không thích vẫn có thể sử dụng tiền mặt để đóng học phí cho học sinh.

Nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi khi triển khai đại trà mô hình này, đặc biệt với các quận huyện vùng ven, ngoại thành. Sở GD-ĐT TP sẽ có những giải pháp gì để triển khai hiệu quả mô hình này hơn?

Theo tôi, những khó khăn các trường đang gặp phải chủ yếu về mặt kỹ thuật, do công tác phối hợp chưa tốt giữa các bên nên thông tin đến phụ huynh chưa đầy đủ. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp cùng các đơn vị đối tác thực hiện thường xuyên và có hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nhằm giúp phụ huynh và xã hội nhận thức được ý nghĩa, sự cần thiết và các tiện ích khi sử dụng thẻ. Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị các ngân hàng phối hợp chặt chẽ hơn với trường học để khắc phục những khó khăn về kỹ thuật, hướng dẫn cụ thể cách dùng đến từng phụ huynh, không gây khó khăn, phiền phức hay mất niềm tin nơi phụ huynh. Song song đó, ngành giáo dục TP sẽ đẩy nhanh tiến độ tích hợp các dịch vụ tiện ích của thẻ HĐTM nhằm gia tăng tiện ích cho học sinh. 

Về bản chất, việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt sẽ giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc thanh toán học phí cho con em. Ngoài ra, đối với những gia đình thuộc các diện miễn - giảm học phí, gia đình chính sách thì việc thanh toán cũng tiện lợi và chủ động hơn. Do đó, để thực hiện có hiệu quả chủ trương này, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đến từng phụ huynh để các bậc cha mẹ học sinh có thể tiếp cận và dần quen với phương thức thanh toán hiện đại này.

Tin cùng chuyên mục