Theo Bộ NN-PTNT, năm 2021, diện tích trồng lúa giảm gần 40.000ha, nhưng lượng xuất khẩu gạo vẫn duy trì ổn định; sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020. Đặc biệt, hạt gạo Việt đã tạo được dấu ấn trên thương trường xuất khẩu, nhất là ở phân khúc gạo cấp cao.
Đây là nỗ lực không ngừng của nông dân và các địa phương ở vựa lúa ĐBSCL, khi thay đổi cơ cấu giống lúa theo hướng gia tăng giá trị. Trước đây, nông dân tập trung sản xuất giống lúa ở phân khúc gạo có chất lượng thấp chiếm đến 60% tỷ lệ xuất khẩu (gạo 25% tấm), nay đã thay đổi khi tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao trên 77% tỷ lệ xuất khẩu.
Thời điểm giữa năm 2021, khi dịch Covid-19 tác động đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến lúa hàng hóa của nông dân bị ùn ứ. Tổ công tác phía Nam của Bộ NN-PTNT cùng ngành nông nghiệp, công thương các tỉnh ĐBSCL đã kết nối, đẩy mạnh mua bán nông sản trên các sàn điện tử.
Thông tin của nông dân, HTX nông sản nhanh chóng kết nối với các đơn vị đưa lên trang mạng. Nhiều HTX sản xuất lúa thơm ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng đang tận dụng hình thức này để bán hàng. “Khách hàng từ Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ đặt mua gạo sạch Vị Thủy hơn 7.000 tấn; giúp người trồng lúa tiêu thụ thuận lợi và đạt lợi nhuận”, ông Nguyễn Văn Thích, Phó giám đốc HTX Tân Long (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) nói.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới đang thay đổi nên không thể tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, Sở NN-PTNT các tỉnh cần có cách tiếp cận mới về những xu thế mới. Trong đó, lưu ý kết nối nông dân với doanh nghiệp. Phải cùng định vị lại, quan tâm tới hợp tác và liên kết. |
HTX Tân Long luôn nắm bắt các đơn đặt hàng mua gạo từ doanh nghiệp, rồi mới lên kế hoạch để nông dân sản xuất. Nói như ông Nguyễn Văn Thích: “Có đơn đặt hàng gạo thơm cho chắc rồi mới bắt tay vào sản xuất lúa”. Nhiều nông dân ở bán đảo Cà Mau sản xuất lúa thơm dòng ST cũng làm theo hình thức này. Đây là một thay đổi đáng ghi nhận của nông dân ĐBSCL.
“ĐBSCL đã có được những giống lúa cho gạo thơm trắng giành giải cao trên đấu trường quốc tế như Lộc trời 28, ST 24, ST 25. Với những “chiến sĩ xung kích” này, Việt Nam có thể quy hoạch vùng trồng có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhất là vùng nước lợ ven biển cho chất lượng gạo cao, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, châu Mỹ… với khối lượng hàng hóa lớn, bao bì nhãn mác tiêu chuẩn quốc tế, giá cạnh tranh trên dưới 1.000 USD/tấn”, TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định.
Xu hướng liên kết thông qua các tổ hợp tác, HTX sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đang tăng dần từng mùa vụ ở ĐBSCL. Trong đó, xu hướng sản xuất lúa thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, dùng phân bón hữu cơ thân thiện môi trường đang nhân rộng ở Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long…
Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2021, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% sản lượng gạo xuất khẩu, góp phần nâng cao giá xuất khẩu bình quân từ 496 USD/tấn (năm 2020) lên hơn 503 USD/tấn; giá trị xuất khẩu gạo năm 2021 ước đạt 3,27 tỷ USD. |