Nếu như trước đây các trường chủ trọng kiểm định chương trình cấp khu vực, quốc tế, thì hiện nay các cơ sở đào tạo tập trung kiểm định theo chuẩn quốc gia. Điều này sẽ giúp các trường chuẩn hóa chương trình (thiết kế chương trình đào tạo, đội ngũ, cơ sở vật chất, chuẩn đầu ra) để đảm bảo minh chứng cam kết chất lượng đào tạo với người học, xã hội.
Nhiều chương trình đạt chuẩn quốc tế
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có hơn 120 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định AUN-QA (tổ chức kiểm định của Mạng lưới các trường đại học (ĐH) Đông Nam Á). Với chuẩn này, cả khu vực Đông Nam Á hiện chỉ có hơn 360 chương trình đào tạo đạt chuẩn.
Tại Việt Nam, có 2 trường ĐH đạt chuẩn kiểm định của khu vực (toàn khu vực có 6 trường); 5 trường ĐH đạt chuẩn HCERES (Pháp) là Trường ĐH Bách khoa TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ngoài ra, hiện cả nước có 4 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định của ABET (Hiệp hội Kỹ thuật và Công nghệ Hoa Kỳ).
ĐH Quốc gia TPHCM hiện là đơn vị đi đầu cả nước trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo với chuẩn khu vực và quốc tế. Đến nay, ĐH này là thành viên của các tổ chức đảm bảo chất lượng có uy tín như: AUN-QA, Mạng lưới chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQN), Mạng lưới các tổ chức đảm bảo chất lượng quốc tế (INQAAHE)… Đồng thời là đơn vị đào tạo có kiểm định quốc tế nhiều nhất của cả nước với 4 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, 7 chương trình chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) được công nhận đạt tiêu chuẩn Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (gọi tắt là Ủy ban CTI) và 45 chương trình đạt chuẩn AUN-QA.
Mới đây, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) và Trường ĐH Duy Tân cũng có 2 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định của ABET. Cụ thể, Trường ĐH Quốc tế có 2 ngành là Kỹ thuật y sinh và Điện tử viễn thông; Trường ĐH Duy Tân có 2 ngành Kỹ thuật mạng và Hệ thống thông tin quản lý. Trước đó, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng là trường CĐ duy nhất của cả nước có 2 ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và Công nghệ kỹ thuật cơ khí đạt chuẩn ABET.
Đẩy mạnh kiểm định trong nước
Chất lượng giáo dục ĐH, cao đẳng đã và đang được Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH quan tâm và chỉ đạo quyết liệt bằng các quy định ràng buộc. Do đó, trong năm 2020, rất nhiều trường ĐH, cao đẳng đã đăng ký mời các trung tâm kiểm định chất lượng (cả nước hiện có 5 trung tâm) để kiểm định chương trình đào tạo.
Theo Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TPHCM, tính từ năm 2017 đến nay mới có 25 chương trình đào tạo đã được kiểm định và trao chứng nhận. Trong đó, năm 2017 và 2018 có 5 chương trình. Riêng năm 2019 đã nhảy vọt lên đến 20 chương trình được kiểm định.
Trong khi đó, năm 2017-2018, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội có 5 chương trình được kiểm định và từ năm 2019 đến nay có đến 31 chương trình đã được kiểm định. Trong mấy tháng đầu năm 2020, trung tâm này đã có 37 chương trình đăng ký kiểm định. Trong khi đó, 3 trung tâm khác có số chương trình đăng ký kiểm định trong năm nay cũng tăng nhiều so với trước đây.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng: “Đảm bảo và xây dựng chất lượng phải được xác định là nội dung cốt lõi, tối quan trọng trong tất cả hoạt động của một cơ sở đào tạo. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất mà thời gian qua ĐH Quốc gia TPHCM luôn theo đuổi. Nếu công tác đảm bảo chất lượng thực hiện tốt thì từ việc kiểm định cho đến tham gia các tổ chức xếp hạng sẽ được thuận lợi hơn”.
Đối chiếu với mục tiêu đặt ra về công tác kiểm định trong giai đoạn 2016-2020, ĐH Quốc gia TPHCM đã hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Chính, hệ thống đảm bảo chất lượng chủ yếu tập trung vào hoạt động đào tạo mà chưa triển khai tương xứng tới các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, chưa có một đơn vị nào giám sát cải tiến chất lượng, nghiên cứu so sánh sau khi đã đạt chuẩn kiểm định.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết cả nước có khoảng 500 cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng với 3.000 chương trình đào tạo, nhưng số chương trình được kiểm định hiện lại thực hiện quá chậm. Các cơ sở đào tạo phải chú trọng đến công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định cấp chương trình đào tạo. Nếu cơ sở đào tạo đạt chuẩn kiểm định mà chương trình không đạt thì sẽ rất khó thuyết phục và minh chứng với xã hội về chất lượng đào tạo của mình.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhấn mạnh, văn hóa chất lượng là yếu tố sống còn nên không thể làm cho có, nhất là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh của nền kinh tế tri thức. Nhờ các tiêu chuẩn kiểm định mà trường sẽ biết mình đang ở đâu, mạnh - yếu chỗ nào để cải thiện. Tuy nhiên, kiểm định chỉ là công cụ đảm bảo chất lượng chứ không phải là “chìa khóa vạn năng”, nên không thể bất chấp để dán nhãn mà chất lượng thật lại khác xa. |