Tại kỳ họp thứ 11 khóa X vào ngày 19-9 vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Đây là một nội dung cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98), kỳ vọng sẽ tiếp sức kịp thời cho kinh tế TPHCM.
Khách tham quan sản phẩm tại ngày hội trí tuệ sáng tạo Việt Nam 2023. Ảnh: CAO THĂNG |
Một đồng ngân sách hút 6,8-9,54 đồng vốn xã hội
Theo báo cáo của UBND TPHCM, từ năm 2015 đến nay, TPHCM đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có dự án đầu tư trong một số lĩnh vực được khuyến khích. Với chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định 50/2015, UBND TPHCM đã phê duyệt 296 dự án tham gia, với tổng mức đầu tư gần 25.300 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là hơn 11.900 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2015-2020, số vốn ngân sách TPHCM đã chi để hỗ trợ lãi vay cho các dự án là hơn 2.300 tỷ đồng. Tính bình quân, một đồng ngân sách bỏ ra đã thu hút được khoảng 9,54 đồng vốn đầu tư từ xã hội.
Trong khi đó, với Nghị quyết 16/2018 của HĐND TPHCM về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018-2020 (được gia hạn đến hết ngày 31-12-2021), UBND TPHCM phê duyệt 17 dự án của 16 doanh nghiệp tham gia, tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Với mức lãi suất bình quân là 8% và thời gian hỗ trợ tối đa 7 năm, ngân sách TPHCM bỏ ra khoảng hơn 203 tỷ đồng hỗ trợ lãi vay. Tính bình quân, một đồng vốn ngân sách bỏ ra trong giai đoạn này thu hút được khoảng 6,8 đồng vốn đầu tư từ xã hội. Đây là một trong những ý nghĩa lớn của các chương trình kích cầu đầu tư.
Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ lãi suất cũng đã góp phần tác động tích cực phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên của TPHCM trong từng thời kỳ. Khi chương trình này hết thời gian thực hiện, nhiều doanh nghiệp băn khoăn rằng TPHCM có tiếp tục hay không và chính sách mới sẽ như thế nào.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc HFIC, cho biết, đơn vị này đang xây dựng kế hoạch nguồn vốn, rà soát cân đối các nguồn lực để đảm bảo quy mô vốn nhằm đáp ứng đủ năng lực tài trợ cho các dự án đầu tư theo danh mục lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM. Theo nghị quyết mới, UBND TPHCM lập Tổ công tác liên ngành và phân công cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tham mưu trình Chủ tịch UBND TPHCM phê duyệt dự án được hỗ trợ lãi vay.
Ưu tiên đổi mới sáng tạo, liên kết vùng
Khi thảo luận về nội dung tờ trình của UBND TPHCM, nhiều đại biểu HĐND TPHCM cho rằng không nên giới hạn các dự án ở phạm vi TPHCM, bởi thực tế có nhiều doanh nghiệp nằm trên địa bàn TPHCM nhưng có nhiều dự án ở tỉnh khác. Chẳng hạn, ĐH Quốc gia TPHCM dù có một phần ở Bình Dương nhưng đang đóng góp rất tích cực cho phát triển nhân lực của TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Việt Tú (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, với chương trình kích cầu cũ, trường đã được hỗ trợ lãi suất 74 tỷ đồng. Tương tự, theo Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, các nghị quyết mới về phát triển TPHCM gần đây cũng nhấn mạnh đến phát triển vùng, đề cập vai trò dẫn dắt của TPHCM trong phát triển vùng, vì vậy không nên giới hạn chỉ hỗ trợ lãi suất cho các dự án trên địa bàn TPHCM.
Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu, nghị quyết này được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định tại điểm d, khoản 8, Điều 5 Nghị quyết 98. “Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về việc có áp dụng chính sách này cho các dự án nằm ngoài địa bàn TPHCM hay không. Tuy nhiên, với những trường hợp cụ thể có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM thì có thể áp dụng theo khoản 7, Điều 5 Nghị quyết 98 để hỗ trợ”, ông Lê Trương Hải Hiếu nói.
Khoản 7, Điều 5 Nghị quyết 98 quy định, HĐND TPHCM quyết định việc sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa TPHCM và địa phương khác, các dự án quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa bàn thành phố; hỗ trợ địa phương khác trong nước, hỗ trợ địa phương tại quốc gia khác trong trường hợp cần thiết.
Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, trong số các lĩnh vực được ưu tiên vay vốn, lĩnh vực đổi mới sáng tạo được xác định là một đối tượng ưu tiên. Cụ thể là chính sách hỗ trợ toàn bộ lãi suất đối với các dự án đầu tư, xây dựng mới, cải tạo mở rộng của doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số; doanh nghiệp có các dự án xây dựng cơ sở ươm tạo, nhà xưởng để cho các cá nhân và tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuê; doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tốt nghiệp tại vườn ươm...
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, cộng đồng doanh nghiệp cũng quan tâm đến việc hỗ trợ lãi suất cho các dự án thực hiện quá trình chuyển đổi xanh như năng lượng áp mái, đầu tư đổi mới công nghệ. Chính sách mới này có ý nghĩa rất lớn khi tiếp sức kịp thời, góp phần phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Nghị quyết ban hành Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố có hiệu lực từ ngày 1-10-2023. Mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng/dự án (không bao gồm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ), trong đó phần vốn đầu tư xây dựng công trình được hỗ trợ tối đa 70%, phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị được hỗ trợ tối đa 85%. Các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa và thể thao do đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố làm chủ đầu tư được hỗ trợ lãi suất đối với 100% phần vốn đầu tư xây dựng công trình, 100% phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị.