Báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, trong tháng 5, tháng đầu tiên sau giãn cách, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” và đã có những khởi sắc. Hậu giãn cách, trong tháng 5-2020, đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước...
Tuy vậy, khó khăn phía trước còn rất lớn, tác động của dịch Covid-19 tiếp tục thử thách sức chống chịu và khả năng bật dậy của nền kinh tế Việt Nam. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%; nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 8,6%. Đơn hàng xuất nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh dù Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu sau 5 tháng đầu năm 2020. Đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng 4.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD. Tính chung 5 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó, gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm ước tính đạt 529,6 ngàn tỷ đồng, bằng 35% dự toán năm…
Phát biểu khai mạc phiên họp, đề cập đến tình hình phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 48 ngày qua, chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Phần lớn ca nhiễm Covid-19 đã ra viện, trong đó có ca rất nặng như bệnh nhân thứ 19. Bệnh nhân thứ 91, phi công người Anh, có nhiều tiến triển. Nhiều tờ báo lớn của quốc tế đưa tin về thành công phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Thủ tướng cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020. Trong tháng 5, vấn đề khôi phục thị trường nội địa với sức sống mạnh mẽ đã được phát động. Các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do dịch Covid-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. Chính phủ đã có nhiều hoạt động tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là Nghị quyết 84 mới được ban hành và một số nghị quyết khác.
“Chúng ta lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế vì cung - cầu của chúng ta đều yếu do dịch Covid-19 vừa rồi”, Thủ tướng nói. |
Tình hình tháng 5 đã tốt hơn tháng 4. Chính phủ đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội rất quan trọng để chúng ta vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận những vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt lưu ý đánh giá nguy cơ, thách thức còn rất lớn như khó khăn do thời tiết; các thị trường lớn, đối tác quan trọng của Việt Nam chưa phục hồi, trở lại bình thường do dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều quốc gia… Từ đó, đánh giá các nguy cơ, thách thức phải vượt qua, đề ra biện pháp mạnh mẽ để phát triển đất nước trong tháng 6 để làm đà cho kế hoạch 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng cho rằng cần theo dõi sát tình hình quốc tế, để có đối sách trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, nhất là dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển trên toàn cầu. Phải có cụ thể các đối sách, các giải pháp với tinh thần quyết tâm cao mới gỡ được khó. Song song đó, không được chủ quan, tiếp tục đề phòng, cảnh giác với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị thảo luận thêm về hai vấn đề. Một là tiếp tục đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn về chống xâm hại trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em, nhất là trong mùa hè này, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc đối với trẻ em. Các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo, vui chơi giải trí dành cho trẻ em trên toàn quốc cần đánh giá lại rủi ro, đe dọa an ninh, tính mạng của trẻ em. Phải xử lý nghiêm các vụ việc để giáo dục, răn đe.
Thứ hai là vấn đề giá thịt heo, hiện nay vẫn ở mức cao mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo một số biện pháp, những yếu tố cấu thành giá thịt heo, trong đó có chi phí thức ăn chăn nuôi, vấn đề giống, tái đàn và đặc biệt là khâu trung gian.
“Quan điểm là giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt heo cao nhưng cũng tránh những thời điểm thịt heo rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi heo, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Phải giữ giá thịt heo ổn định bằng tư duy chuỗi liên kết giá trị, bằng khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, giống, thức ăn, phát động tái đàn trên cơ sở khống chế dịch tả heo châu Phi cùng những biện pháp khác như nhập khẩu”, Thủ tướng nêu rõ.