
Phát biểu đề dẫn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2-4 cùng với phản ứng của các nước đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại, đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt tác động nhiều đến các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Do đó, để có thể bứt phá vào năm 2025, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những chìa khóa then chốt. Việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới.

Trước áp lực thuế đối ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) chính là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tính đến năm 2025, tổng số các FTA Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán lên tới 20 FTA, với 16 FTA đang thực thi, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Các hiệp định trên đã mở ra thị trường rộng lớn với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA của doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 37% trong năm 2024.
Qua đó, các FTA không chỉ giúp đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các đối tác lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore; tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, việc khai thác các FTA vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về các quy tắc xuất xứ, thủ tục ưu đãi thuế quan; các rào cản phi thuế ngày càng gia tăng như yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động... đặt ra thách thức lớn cho khả năng đáp ứng của hàng Việt.
Trước thách thức đặt ra, ông Trịnh Minh Anh kiến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về FTA; tối ưu hóa quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng sản, tham gia các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt thông tin thị trường, giải quyết khó khăn (như chi phí vận chuyển, rào cản kỹ thuật) và các vụ tranh chấp quốc tế, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước để được hỗ trợ thông tin về FTA và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) nhận định, cần thúc đẩy liên kết doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bằng chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng kinh doanh theo mức độ tham gia liên kết.
Hơn nữa, thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quy mô lớn đóng vai trò liên kết, quy tụ, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước ở một số ngành, lĩnh vực có thể đem lại vị thế quan trọng của quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.