Theo đó, hàng năm, TPHCM dành hơn 26% vốn ngân sách cho việc chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trường lớp với tổng số tiền đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Song song đó, giai đoạn 2016-2022, tổng số tiền đầu tư từ các nguồn xã hội hóa khoảng 440 tỷ đồng dành cho 30 trường ngoài công lập tăng thêm, góp phần chia sẻ gánh nặng về nhu cầu trường lớp với hệ thống công lập.
Đánh giá về công tác huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, nhận thức về xã hội hóa giáo dục còn khác nhau giữa các địa phương. Một số cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh hiểu chưa đúng về xã hội hóa, nghĩ rằng chỉ đơn giản bổ sung thêm cơ sở vật chất cho trường học. Trong khi đó, mục tiêu chính của việc huy động các nguồn lực phát triển giáo dục là hỗ trợ các hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo việc học, xây dựng phong trào học tập sâu rộng đến mọi người dân, tiến đến xây dựng thành công mô hình “xã hội học tập”. Ngoài ra, vẫn còn tâm lý trông chờ vào ngân sách nhà nước; các thủ tục hành chính đối với việc đầu tư công trình, dự án còn phức tạp. Đa số các trường ngoài công lập hiện nay đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp từ công trình nhà hoặc đất ở làm trường học, không được chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của nhà đầu tư.
Từ thực tế đó, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất chủ trương nếu nhà đầu tư có quyền sử dụng hoặc thuê quyền sử dụng đất ở để xây dựng, cải tạo với mục đích thành lập trường, có cam kết làm cơ sở giáo dục thời hạn tối thiểu 5 năm thì Chính phủ xem xét chủ trương cho phép thành lập và cấp phép hoạt động giáo dục với thời hạn cấp phép không quá 5 năm/lần. Ngoài ra, Chính phủ cần có thêm cơ chế đặc thù cũng như chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa.