Tăng trưởng khiêm tốn
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), khoảng 10 năm trở lại đây, doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20%. Những sản phẩm cơ khí công nghệ cao cũng đã xuất hiện như thiết kế chế tạo thủy công, thiết bị nhà máy xi măng, giàn khoan dầu khí tự nâng 90m và bước đầu thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than.
Dù đạt được một số thành quả bước đầu, nhưng nhìn chung ngành cơ khí vẫn ở giai đoạn thấp so với các nước có nền công nghiệp phát triển. Cụ thể, hiện cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, nhưng giá trị gia tăng thấp và năng lực chưa đáp ứng được nhu cầu. Ước tính, các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 7% thị trường. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị.
Trên thực tế, hàng loạt chính sách đã được ban hành cách đây hơn chục năm nhằm hỗ trợ phát triển ngành cơ khí nhưng chưa phát huy tính hiệu quả. Đơn cử, sau hơn 15 năm triển khai Quyết định 186/2002/QĐ-TTg của Chính phủ về 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm, đến nay vẫn chưa xây thêm được nhà máy mới nào về chế tạo máy.
Điều này dẫn đến ngành cơ khí phát triển “lệch pha” và phần chính yếu chưa được tập trung đầu tư. Tương tự, trong số 12 dự án thuộc cơ khí trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt, hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg, chỉ có 3 dự án thực hiện… nửa chừng, với hơn 374 tỷ đồng đầu tư (trên tổng số gần 10.000 tỷ đồng), đạt 3,75%, khiến lực lượng cơ khí không mạnh lên sau 15 năm.
Chính vì vậy, mục tiêu sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ đáp ứng 45% - 50% nhu cầu trong nước và 30% xuất khẩu, không đạt được chiến lược của Chính phủ đề ra trong Quyết định 186. “Nguyên nhân khiến mục tiêu ngành này không đạt được như kỳ vọng là do đầu tư manh mún, dàn trải, kém hiệu quả. Từ đó, dẫn đến trong ngành cơ khí xuất hiện đủ loại quy mô từ siêu nhỏ, nhỏ đến vừa và lớn rải rác từ Bắc vào Nam. Dù sản xuất trong tất cả các ngành thiết yếu của nền kinh tế như cơ khí chế tạo, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện nhưng do thiếu liên kết nên các doanh nghiệp đang tự đạp chân nhau, trong khi không thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng”, đại diện VAMA thừa nhận.
Hiện trong nước có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử trực tiếp cho Tập đoàn Samsung tại Việt Nam, nhưng đều do các doanh nghiệp FDI thực hiện chứ không có bất kỳ doanh nghiệp nội địa nào được chọn, đây là minh chứng cho sự tăng trưởng quá chậm của ngành cơ khí trong thời gian qua.
Tiếp cận công nghiệp 4.0 từ bước nhỏ nhất
Mặc dù sức ì của toàn ngành cơ khí kéo dài khá lâu, song thời gian gần đây, trước sức ép của áp lực cạnh tranh, một số doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu vươn mình, mạnh dạn đầu tư với những kế hoạch quy mô và chiến lược dài hạn. Đơn cử, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dự kiến đầu tư 5.695 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020, nhằm đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất; trong đó, tập trung vào mục tiêu xuất khẩu, tiến đến có doanh thu bằng mức doanh thu của thị trường trong nước sau 5 - 10 năm tới. Hay Công ty CP Cơ khí Phổ Yên đầu tư dây chuyền sản xuất bằng các dòng máy mới từ Nhật Bản. Công ty Cơ khí Hà Nội đầu tư trang thiết bị dây chuyền đúc, cung cấp sản phẩm cho Trường Hải Auto… “Điều ấn tượng khi đến tham quan những nhà máy đầu tư quy mô dạng này là các dây chuyền sản xuất rất ít công nhân, hầu hết công đoạn đều được tự động hóa. Ví dụ, tại dây chuyền hàn, 1 công nhân quản lý 2 robot hay xưởng khuôn mẫu, 1 người có thể vận hành 10 máy. Tất cả lao động ở đây đều không có một vết bẩn và công việc chính chủ yếu là điểu khiển máy tính, quan sát robot”, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM cơ khí Minh Duy Nguyễn Ngọc Minh, quận Bình Tân, kể lại sau khi tham quan một số nhà máy sản xuất trong nước kể trên.
Theo ông Isara Burintramart, Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex, hiện nay, trong khi thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0 thì trình độ sản xuất của ngành công nghiệp Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu do thiếu các công nghệ mới, thông tin, kỹ năng và cơ sở hạ tầng. Do đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng khắc phục các hạn chế.
Trong đó, đẩy mạnh hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lặp gây lãng phí, tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải bắt đầu từ những bước nhỏ nhất như lập chiến lược, dự án thí điểm…
Nhà nước cần hỗ trợ về phân tích dữ liệu, cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực và tăng năng lực quản trị sẽ giúp các nhà sản xuất đi tiên phong trong cuộc cách mạng. Đồng quan điểm, Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ cho rằng, tính khả thi của công nghiệp 4.0 nên bắt đầu bằng những bước nhỏ, đơn giản và cần thực hiện ngay.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thực sự bứt phá, cũng như xây dựng và đưa ra một chính sách phát triển công nghiệp cơ khí mang tính khả thi trong thời kỳ công nghiệp mới, cần giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại như: nhanh chóng cổ phần hóa doanh nghiệp cơ khí có vốn nhà nước, xóa bỏ hình thức “chủ quản”; đồng thời, khuyến khích đầu tư vào ngành cơ khí chế tạo theo hướng lựa chọn áp dụng công nghiệp 3.0 và 4.0 để chế tạo các sản phẩm cơ khí có chất lượng, giá thành hợp lý, thay thế hàng nhập khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hơn nữa trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, lành nghề.