Đẩy mạnh hợp tác đối tác công - tư trong xử lý nước thải, chất thải

Tăng cường hợp tác theo phương thức đối tác công - tư (PPP), nhằm thêm kênh thu hút nguồn lực đầu tư các dự án trong lĩnh vực xử lý nước thải (XLNT), chất thải là hết sức cần thiết, trong giai đoạn hiện nay.

Vận động và hướng dẫn người dân phân biệt rác tại nguồn trong một lễ hội ẩm thực tại Công viên Lê Văn Tám. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Vận động và hướng dẫn người dân phân biệt rác tại nguồn trong một lễ hội ẩm thực tại Công viên Lê Văn Tám. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhu cầu lớn về nguồn vốn

Theo báo cáo của UBND TPHCM, hiện nay tỷ lệ XLNT của thành phố đạt gần 13%. Thành phố đang có 3 nhà máy XLNT: Bình Hưng (giai đoạn 1) công suất xử lý 141.000m3 /ngày; Bình Hưng Hòa, công suất 30.000m3 /ngày; Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1), công suất 15.000m3 /ngày. Thành phố còn có 4 trạm XLNT trong khu dân cư/tái định cư: Tân Quy Đông, quận 7, công suất 500 m3 /ngày; Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, công suất 3.700m3 / ngày; khu tái định cư 17,3ha, công suất 3.000m3 /ngày; khu tái định cư 38,4ha phường Bình Khánh, TP Thủ Đức, công suất 150m3 /ngày.

Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ XLNT đạt 40,2%, thành phố cũng đang xúc tiến kêu gọi đầu tư 7 dự án với nguồn vốn khoảng 31.740 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, thông tin, nhằm kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo phương thức PPP, thành phố đã giao Công ty CP Cơ điện lạnh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi). Sở KH-ĐT đang thực hiện các thủ tục để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án…

Theo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh hiện nay khoảng 3.650 triệu m3 /ngày, nhưng tỷ lệ thu gom, xử lý theo quy chuẩn chỉ đạt khoảng 13%-17%. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ XLNT lên 70% trong vòng 10 năm tới và để hiện thực hóa mục tiêu này cần nguồn đầu tư 10-20 tỷ USD. Đối với CTRSH, thống kê cho thấy, hiện nay cả nước phát sinh mỗi ngày khoảng 60.000 tấn, cả nước hiện có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp. Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác con số nguồn vốn cần để đầu tư xử lý khối lượng CTRSH phát sinh mỗi ngày, thế nhưng ước lượng của cơ quan chức năng con số này là rất lớn.

Trông chờ vào PPP?

Đại diện Bộ TN-MT cho biết, mặc dù nhu cầu nguồn vốn cho công tác XLNT, chất thải là rất lớn, tuy vậy sự tham gia của các thành phần kinh tế vẫn phải dựa vào nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước, nhưng ngày càng hạn chế và không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, việc kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP trong 2 lĩnh vực này hết sức cần thiết lại gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tình hình thực tế; giá dịch vụ XLNT, chất thải còn thấp; chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý yêu cầu kinh phí cao. Bên cạnh đó, cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân vẫn chưa phát huy hiệu quả, thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng và an toàn cho nhà đầu tư.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhận định, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thi hành từ năm 2021 với kỳ vọng đạt bước tiến trong thu hút đầu tư từ khối tư nhân thông qua hợp tác PPP để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội... Để phương thức đối tác PPP đạt hiệu quả trong lĩnh vực môi trường nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, Nhà nước cần xây dựng chiến lược, quy hoạch hợp lý về phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và hình thành một khung pháp lý rõ ràng; trong đó có các cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai để thu hút đầu tư của tư nhân. Đồng thời, sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đi kèm với hướng dẫn chi tiết đối với các chính sách ưu đãi. Mặt khác, các thông tin ký kết trong hợp đồng phải rõ ràng, minh bạch; tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Trao đổi với PV Báo SGGP, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đánh giá, nhu cầu kinh phí cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam rất lớn, trong khi nguồn vốn hết sức hạn chế, căng kéo. Bên cạnh đó, quy trình giải ngân vốn ở Việt Nam cũng rất “nhiêu khê”, dẫn đến sẽ làm chậm các dự án, lúc này phải cần đến phương thức đối tác PPP. Đối tác PPP sẽ giải quyết được bài toán nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện nay, hợp tác PPP ở Việt Nam mới chỉ tập trung lĩnh vực giao thông, nhưng phương thức này được đánh giá là khá phù hợp trong các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục. “Dư địa để phát triển đối tác PPP ở Việt Nam còn rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải xử lý được các vấn đề như công khai, minh bạch các dự án; khuôn khổ pháp lý phải rõ ràng; chọn lựa nhà đầu tư phù hợp; phải tạo được các điều kiện cơ chế rõ ràng, minh bạch, xuyên suốt thì nhà đầu tư mới vào”, TS Huỳnh Thanh Điền đề xuất.

Tin cùng chuyên mục