Đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong nước

Trong bối cảnh nông sản Việt Nam xuất khẩu có phần chậm lại, nguy cơ hàng tồn đọng và tiêu hủy tăng, nhiều doanh nghiệp và hệ thống phân phối hàng trong nước đã tìm nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hỗ trợ nông sản tiếp cận sâu với thị trường trong nước; từng bước đẩy mạnh tiêu thụ, giảm áp lực tồn đọng hàng nông sản trong nước…

Đại diện Saigon Co.op hỗ trợ thu mua vải thiều tại tỉnh Bắc Giang và Hải Dương
Đại diện Saigon Co.op hỗ trợ thu mua vải thiều tại tỉnh Bắc Giang và Hải Dương
Tăng tiêu thụ nội địa, giảm áp lực tồn hàng
Trước tiên phải kể đến sự tiếp nhận và hỗ trợ của hệ thống siêu thị Sài Gòn Coop. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết để hỗ trợ nông dân Bắc Giang và Hải Dương tiêu thụ vải thiều, Saigon Co.op đã ký cam kết thu mua 400 - 600 tấn vải thiều trong mùa vụ này. Ngoài ra, tùy theo sức mua của người tiêu dùng, Saigon Co.op sẽ tăng cường mua thêm hàng.
Ông Nguyễn Anh Đức cũng nhấn mạnh, 100% sản phẩm trái vải đợt này đều đạt tiêu chuẩn VietGAP và có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, để kích cầu tiêu dùng, chuỗi bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, HTV Co.op sẽ tổ chức nhiều hoạt động giảm giá, khuyến mãi, ăn thử, hoạt náo và quảng bá để tăng sức tiêu thụ trái vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương). Điều đáng nói, Saigon Co.op là còn đầu mối để đưa trái vải tươi và nhiều sản phẩm nông sản khác ra thị trường khu vực.
Không dừng lại mặt hàng nông sản, năm 2017, Saigon Co.op đã có khảo sát và ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm giữa tỉnh Bình Thuận và TPHCM. Đây là hoạt động nhằm xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thủy hải sản giữa tỉnh Bình Thuận và TPHCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu là trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác… đến cơ sở giết mổ, chế biến và kinh doanh đưa đến tay người tiêu dùng. 
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, hiện sản xuất nông nghiệp tại TP chỉ đáp ứng được 20% - 30% nhu cầu của người dân. Phần còn lại phải đưa về từ các tỉnh, thành khác hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, TPHCM và các tỉnh, thành cần tiếp tục phối hợp để kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc. Do vậy, mục tiêu của việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn là để người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm. Việc hợp tác đảm bảo chất lượng hàng hóa tại nguồn hết sức quan trọng, nếu được kết hợp với đơn vị phân phối uy tín, có hệ thống tiêu thụ rộng khắp thì sẽ tạo được cộng hưởng, giúp chuỗi thực phẩm an toàn phát huy tối đa hiệu quả. Thị trường 10 triệu dân của TPHCM chính là thị trường đầy tiềm năng đầu tiên của những sản phẩm chất lượng sở trường của tỉnh Bình Thuận như hải sản, thanh long và các loại nông sản khác.
Mở rộng thị phần tiêu thụ
Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tỉnh đang phấn đấu thực  hiện mục tiêu đến 2020, tỉnh Bình Thuận có ít nhất 500 sản lượng nông sản, thủy sản chủ lực được kiểm soát an toàn thực phẩm. Bên cạnh một số kết quả đáng khích lệ, hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn trong việc liên kết cung ứng tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi cung ứng đối với TPHCM có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nếu thực hiện tốt chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng mà còn mang lại giá trị thương hiệu cho các đơn vị cung cấp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cung ứng. Sau thủy sản, Saigon Co.op còn muốn mở rộng danh mục sản phẩm của tỉnh Bình Thuận tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, đặc biệt là sản phẩm đặc trưng của tỉnh như trái thanh long.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, cần thiết phải tăng cường đầu tư cho hoạt động chế biến sâu. Để làm được vấn đề này, các cơ quan chức năng cần tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp chế biến thực phẩm nói riêng.
Cụ thể, cần thiết đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp, bảo đảm an toàn vốn vay, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, nhanh chóng có cơ chế chính sách hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phát huy được hiệu quả của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh như mục tiêu đề ra của thành phố.
Ngoài ra, thành phố cần đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ tăng sức mua, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp có thương hiệu bán lẻ mạnh trong nước mở rộng thêm quy mô cửa hàng hiện tại. Đồng thời, tăng thêm số lượng cửa hàng mới tại các tỉnh, thành trong cả nước... để doanh nghiệp bán lẻ tăng lợi thế cạnh tranh và sức tiêu thụ nội địa.

Tin cùng chuyên mục