Qua quá trình phối hợp triển khai thí điểm, đến nay Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã đạt được thành công bước đầu rất khả quan.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 770 cơ sở chăn nuôi của các tỉnh, thành đăng ký tham gia đề án, trong đó nhiều nhất là Đồng Nai (đăng ký 344 cơ sở), Bình Dương (187 cơ sở), Bình Phước (54 cơ sở), Tiền Giang (39 cơ sở)… Bên cạnh các cơ sở chăn nuôi, đề án cũng đang được áp dụng tại 385 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm…) và 140 gian hàng tại 23 chợ truyền thống.
Người tiêu dùng mua thịt heo truy xuất nguồn gốc tại Co.opmart
Từ tháng 3-2017, đề án chính thức triển khai tại 2 chợ đầu mối của TPHCM là Hóc Môn (mỗi ngày cung cấp hơn 4.500 con heo) và chợ Bình Điền (trên 2.300 con heo/ngày), chiếm khoảng 60%-70% tổng lượng heo cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân TP. Dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng đề án vẫn còn gặp những khó khăn khi các cơ sở kích hoạt vòng nhận diện để truy xuất con heo còn hạn chế, nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đăng ký tham gia đề án và chưa có thói quen sử dụng, tiếp cận thiết bị công nghệ thông tin hiện đại nên việc thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa việc đeo vòng và chi phí này người chăn nuôi phải gánh chịu.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là do thiếu sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. Khi triển khai đề án đúng lúc giá heo hơi xuống thấp, kèm theo đeo vòng cho heo tốn kém chi phí, trang thiết bị người chăn nuôi bỏ công mày mò, tìm hiểu nên người chăn nuôi ngại tiếp cận đề án, thương lái tham lời còn ép người chăn nuôi chịu các khoản phí khi tham gia đề án… Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, hiện heo của Đồng Nai chủ yếu bán vào TPHCM. Chi phí đeo vòng mỗi con heo là 6.000 đồng, khi giá heo ở mức cao. Số tiền này là không lớn. Do đề án mới triển khai nên người chăn nuôi nhỏ lẻ chưa nắm được, chưa tham gia.
Tại cuộc họp báo quý 1-2017 gần đây do Sở Công thương TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại của sở, thừa nhận việc truy xuất hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, người chăn nuôi cũng chưa biết cách truy xuất đeo vòng nên phải chấp nhận để thương lái đeo vòng nhận diện cho heo. Điều kiện bắt buộc là phải khai thông tin mua heo từ trại nào. Khi nào hệ thống quản lý hoàn thiện, người chăn nuôi đã được phổ biến, hướng dẫn mọi cách thức cũng như quy trình kích hoạt vòng đeo, họ sẽ phải là người thực hiện khâu đeo vòng nhận diện cho heo chứ không phải để thương lái đeo như hiện nay. TPHCM cũng sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua vòng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tháng đầu tiên.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo là giải pháp đột phá giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tiền đề để nhân rộng ra các sản phẩm khác, như thịt gà, trứng gà, rau củ, quả… Để thực hiện hiệu quả đề án này, cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của nhiều tỉnh, thành cùng TPHCM.
Trong văn bản số 1726 gửi UBND các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An… về việc hỗ trợ phối hợp triển khai đề án quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ TPHCM, thông qua việc chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai nội dung của đề án và đề nghị các cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia chương trình. Khi bán heo vào TPHCM phải đeo vòng nhận diện vào chân heo và cung cấp thông tin về nguồn gốc của con heo do cơ sở mình bán ra.