Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất

Nhiều giải pháp hỗ trợ vực dậy nền kinh tế sau dịch Covid-19 đã được Chính phủ đề ra từ nhiều tháng trước: các gói kích cầu, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đẩy mạnh xúc tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất… 

Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ lấy từ đâu và hỗ trợ đối tượng nào trước, là những câu hỏi được dư luận quan tâm. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Dương Anh Sơn, Trưởng khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, để làm rõ thêm các vấn đề này.

Phân loại doanh nghiệp

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ảnh 1 PGS-TS Dương Anh Sơn, Trưởng khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM
Phóng viên: Giải pháp nào để khôi phục kinh tế trong thời điểm khó khăn hiện nay, thưa ông? Chúng ta cần hỗ trợ sản xuất thế nào cho hiệu quả khi mà năng lực tài chính cũng như ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp?

PGS-TS DƯƠNG ANH SƠN: Trong giai đoạn nhiều hiệp định thương mại tự do giữa ta và các nước có hiệu lực, nhiều sắc thuế giảm sâu và về 0%; đây là thời điểm tốt nhất cho xuất khẩu. Muốn giàu (kinh tế phát triển) thì phải đẩy mạnh xuất khẩu để thu ngoại tệ về. Mà muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì phải đẩy mạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, chứ không phải hỗ trợ doanh nghiệp chung chung.

Khi ngân sách eo hẹp, chúng ta phải ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất. Chẳng hạn, trong cơ cấu nguồn thu từ xuất khẩu, các nhà hoạch định phải tính toán lại lĩnh vực sản xuất nào có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, mang lại giá trị gia tăng lớn nhất thì tập trung đầu tư. Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu những ngành như may mặc, hay những ngành gia công thì giá trị gia tăng không lớn, dù giá trị kim ngạch rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế lẫn hiệu quả xã hội không cao. Còn những ngành xuất khẩu khác có giá trị gia tăng lớn như nông sản, lúa gạo… thì phải tính lại xem nó chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu xuất khẩu. Từ đó, các nhà hoạch định sẽ cho ra nhóm đối tượng nào ưu tiên 1, nhóm nào ưu tiên 2 để sắp xếp thứ tự hỗ trợ.

Thưa ông, nếu chỉ tập trung hỗ trợ cho sản xuất, còn những ngành khác thì sao, bởi không ít doanh nghiệp bất động sản cũng đang kêu cứu?

Ở Mỹ, có thêm tỷ phú thì thu nhập bình quân trên đầu người của người dân sẽ tăng lên; nhưng nếu ở đất nước có tỷ phú đi lên từ bất động sản thì có người dân sẽ nghèo đi, và khi giá bất động sản tăng thì ước mơ an cư lạc nghiệp, tạo dựng được chỗ ở của người dân càng xa hơn. Tôi nói thế để thấy việc đầu tư cho sản xuất sẽ khác với đầu tư phát triển nóng, làm giàu nhanh. Đầu tư cho sản xuất cần chiến lược lâu dài và quan trọng là nó giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững. 

Tìm nguồn vốn

Vậy đầu tư cho sản xuất thì chúng ta cần đầu tư những gì, thưa ông?

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ảnh 2 Sản xuất hải sản đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Seaspimex
Về chiến lược lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ, dẫn dắt về công nghệ như ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, thương mại; ứng dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh. Chẳng hạn, tại sao giá đường của chúng ta luôn cao hơn so với các nước lân cận, bởi ta không có cánh đồng lớn, không cơ giới hóa trong quy trình canh tác, sản xuất… nên chi phí cao thì giá thành không thể cạnh tranh được. Về đầu ra, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền quy định, điều kiện về xuất xứ, chất lượng, tiêu chuẩn thị trường của các nước nhập khẩu để doanh nghiệp biết và tuân thủ. Song song đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, hoạt động này cần đổi mới, hiệu quả hơn, thiết thực hơn.

Và quan trọng nhất đối với doanh nghiệp vẫn là tiền. Do vậy, Nhà nước cần có nhiều gói kích cầu, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Khi đối tượng hỗ trợ được xếp loại ưu tiên càng cụ thể bao nhiêu, thì đồng vốn được sử dụng càng hiệu quả bấy nhiêu.

Thế nhưng, vấn đề khó nhất là ngân sách eo hẹp thì lấy nguồn vốn từ đâu để hỗ trợ?

Bên cạnh các nguồn thu từ thuế thì Nhà nước có thể khai thác nguồn thu khác, như sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành… Việc này lâu nay làm rất chậm, cần đẩy mạnh hơn. Ngoài ra, cần sắp xếp tất cả đơn vị nhà đất về một đầu mối để quản lý, cho thuê hay đấu giá công khai, tạo nguồn thu cho ngân sách. Bởi hiện nay, mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi đơn vị quản lý chiếm giữ quỹ đất để cho thuê, không thông qua đấu giá, không minh bạch nên nguồn thu cũng không rõ ràng, dễ phát sinh tiêu cực…

Có người nói quỹ đất bán hết thì đời sau sẽ không còn gì, ông nghĩ sao?

Đất đai là tài sản toàn dân, vấn đề bán hay giữ không quan trọng, mà quan trọng là quỹ đất phải được sử dụng hiệu quả, quản lý phải công khai và nguồn tiền thu được đem đầu tư để mang lại giá trị cao hơn. Mọi thứ minh bạch thì đất nước phát triển. Quan trọng nhất, trong lúc khó khăn này mà Nhà nước hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tiếp tục “sống” và làm giàu thì doanh nghiệp sẽ quay lại nộp thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục