Hiện nay, Cổng DVCTT TP Đà Nẵng có 850 DVCTT mức 3, 4. Trong đó, triển khai trực tuyến ở cơ sở được ưu tiên, cụ thể: quận, huyện có 151/176 (chiếm 86%); xã, phường có 80/97 (chiếm 82%), còn lại là của các sở, ngành.
Đặc biệt, Cổng DVCTT thành phố áp dụng các giải pháp nộp và quản lý các bản vẽ xây dựng. 100% thủ tục cấp phép xây dựng triển khai trực tuyến ở mức 3. Cổng DVCTT ưu tiên xây dựng 3 dịch vụ trực tuyến liên quan đến cấp con dấu của Công an thành phố. Đây là 3 dịch vụ mà các tổ chức có nhu cầu sử dụng nhiều. Cổng DVCTT tích hợp sẵn chức năng thanh toán trực tuyến, phiếu thu điện tử và Đại lý DVCTT để các cơ quan chủ động sử dụng, cung cấp dịch vụ công ở mức 4 (mức cao nhất).
Tại buổi lễ, UBND thành phố xác định cung cấp DVCTT cho tổ chức, công dân là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng, đặc biệt là phục vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. "Tuy vậy, việc cung cấp DVCTT chưa đáp ứng yêu cầu của tổ chức, công dân: nhiều cơ quan không triển khai nghiêm túc các giải pháp DVCTT và có tỷ lệ hồ sơ thấp; hồ sơ rườm rà dẫn đến khó triển khai; dữ liệu cát cứ, không chia sẻ để phục vụ DVCTT", ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay.
Lễ công bố là nơi thảo luận của các cấp sở ban ngành nhằm tạo điều kiện cho DVCTT được thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Diễn, đại diện VCCI nhìn nhận, "Hầu hết doanh nghiệp áp dụng DVCTT với ưu điểm chung: giảm chi phí tuân thủ pháp luật, thời gian đi lại, không trực tiếp gặp cán bộ, việc quản lý nhẹ nhàng và hiệu quả. Tuy nhiên, DVCTT chậm hơn so với trực tiếp. Hầu như các chính sách ở mức độ 1, ít khi ở mức độ 3".
Nguyên nhân thường gặp do quá trình trục trặc, một số cán bộ có thói quen làm trực tiếp hồ sơ, giấy tờ. Từ đó, ông Diễn đề nghị thành phố tăng cường tuyên truyền, chọn những thủ tục hành chính đơn giản bắt buộc làm trực tuyến và cử người hướng dẫn nếu có trục trặc.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng nhấn mạnh, khi thực hiện dịch vụ công trực tiếp hoặc trực tuyến, lãnh đạo, cán bộ luôn đồng hành với tổ chức, công dân. Dù trực tuyến hay trực tiếp, cán bộ nên lưu một tệp có chữ số và dấu đỏ điện tử tạo điều kiện để thực hiện các dịch vụ công tiếp theo. Bên cạnh đó, ông Chiến đưa ra những giải pháp căn bản: giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh gắn với công tác khen thưởng; tuyên truyền, đào tạo nội bộ; đầu tư màn hình thứ 2 khi thẩm định nhiều trang; bổ sung mục chuyển đổi PDF, áp dụng scan miễn phí cho cá nhân, tổ chức.
Những năm qua, một trong những địa phương tiên phong trong thủ tục hành chính, quận Thanh Khê đảm bảo kết nối mạng MAN (mạng đô thị) với thành phố, đầu tư hệ thống máy tính phù hợp với từng bộ phận sử dụng có bản quyền và phần mềm diệt virus, hình thành thói quen sử dụng CNTT. “Ứng dụng CNTT là động lực phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc xây dựng môi trường thông tin điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Thanh Hiếu, Phòng Văn hóa - Thông tin UBND quận Thanh Khê cho biết.
Cổng DVCTT thành phố không chỉ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng cơ quan điện tử mà còn tăng cường cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính của thành phố. Sau khi Cổng DVCTT thành phố hoạt động, các cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả như: đưa vào thanh toán không sử dụng tiền mặt, giảm thời gian xử lý hồ sơ đến 50% so với trực tiếp; bổ sung thêm DVCTT bảo đảm 100% thủ tục hành chính được cung cấp ở mức 3 trở lên đến hết năm 2020 (801 dịch vụ), đưa vào sử dụng ứng dụng di động cho DVCTT, sử dụng chữ ký số trong cung cấp DVCTT, đẩy mạnh cung cấp tài khoản công dân điện tử, sử dụng dữ liệu điện tử thay thế thành phần hồ sơ phải nộp,… đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT,…
Như vậy, đến năm 2020 tối thiểu 60% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ; 50% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đối với các thủ tục hành chính đã cung cấp trực tuyến; 20% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính.