Quy định 1374-QĐ/TU ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM (về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước) là một công cụ hiệu quả góp phần phòng chống suy thoái, tham nhũng, lãng phí. Để góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, cần phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia tích cực của người dân và các cơ quan báo chí.
Cán bộ, công chức huyện Bình Chánh, TPHCM tiếp công dân đến làm thủ tục hành chính |
Thiếu tu dưỡng, trui rèn
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, những vụ việc cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao, bị kỷ luật, xử lý hình sự vừa qua là do bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, trui rèn. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan là vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa có cơ chế phòng ngừa sai phạm từ sớm, từ xa. Thực tế hiện nay, có nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chưa phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên một cách thực chất. Điều này dẫn đến câu chuyện người dân thấy, biết nhưng không muốn nói, hoặc vì không có cơ chế bảo vệ nên họ không dám nói.
Nhiều năm nghiên cứu về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, TS Nguyễn Thị Toàn Thắng, Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng, để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, một phần nguyên nhân là do sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc, khống chế cán bộ, đảng viên cả về chính trị tư tưởng và đạo đức, lối sống. Một trong những nguyên nhân dẫn đến còn tồn tại tình trạng tham nhũng, tiêu cực là công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm trong giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội thảo xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị do Thành ủy TPHCM tổ chức vào tháng 2-2023. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phát huy vai trò giám sát của người dân
Người dân và các cơ quan báo chí là lực lượng to lớn trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tiễn đã cho thấy, trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực luôn có sự tham gia tích cực của người dân và các cơ quan báo chí.
Theo Phó Trưởng phòng Tham mưu - Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Nguyễn Thư Hương, Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM là một cách làm mới, một công cụ hiệu quả góp phần phòng chống suy thoái, tham nhũng, lãng phí. Thời gian tới, để góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, Đảng bộ TPHCM cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia tích cực, quan trọng của người dân và các cơ quan báo chí.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Thị Thảo, Học viện Chính trị khu vực II, cho rằng, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng bằng cơ chế, quy chế, quy định, cần quan tâm xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát từ bên ngoài, trong đó báo chí là một kênh thông tin quan trọng để giám sát và răn đe cán bộ, đảng viên không thể, không dám và không muốn tham nhũng. Muốn vậy, trong giai đoạn tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phát huy vai trò của báo chí trong thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU là một giải pháp hiệu quả, có tính khả thi cao.
Ông Hoàng Thọ Diêu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 1 (TPHCM), nêu ý kiến, phải đảm bảo cho người dân được tham gia vào các cuộc kiểm tra, giám sát và thấy được kết quả của công tác kiểm tra, giám sát; tiếp nhận và xử lý nghiêm các ý kiến của người dân về thái độ, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết công việc của người dân và công khai kết quả xử lý. Qua đó, sẽ khuyến khích người dân mạnh dạn phản ánh, tố giác hành vi nhũng nhiễu của cán bộ. Đặc biệt, cần có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn trong quy định trách nhiệm cho người đứng đầu. Khi người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước thái độ, hành vi của cán bộ, công chức dưới quyền thì công tác tự kiểm tra, giám sát, tự quản mới có hiệu quả thực sự. Đây cũng là giải pháp để ngăn chặn từ sớm tư tưởng, suy nghĩ sẽ nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân để tư lợi.
Thời gian qua, khi thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU, những nội dung được tập trung phản ánh chủ yếu thuộc các nhóm lĩnh vực như: hành vi vi phạm về thực hiện chức trách, công vụ; vi phạm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở các cơ quan, tổ chức có liên quan; vi phạm về công tác tổ chức, cán bộ; khiếu nại tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Năm 2022, cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ TPHCM đã tiếp nhận 9.820 thông tin phản ánh, trong đó đã chỉ đạo thực hiện xử lý 9.705 thông tin (đạt tỷ lệ 98,83%). Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp đã xem xét, xử lý kỷ luật 8 tổ chức Đảng và 378 đảng viên; xử lý về chính quyền đối với 435 trường hợp; chuyển cơ quan chức năng xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự 9 trường hợp.