Đẩy mạnh giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn

Ngày 17-12, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) tổ chức Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại bán lẻ tại Việt Nam”.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: MINH HẢI
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: MINH HẢI

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, ngành bán lẻ tại Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, quy mô thị trường bán lẻ năm 2023 đạt 142 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử thể hiện xu hướng số hóa toàn cầu và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Theo khảo sát của nhóm, hiện nay có khoảng 50% doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất sản phẩm.

Nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra một số rào cản trong quá trình chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn. Cụ thể là rào cản về công nghệ, con người, chi phí đầu tư, chính sách và pháp lý… Đối với đầu tư công nghệ, các đơn vị còn đang gặp những khó khăn về việc lựa chọn công nghệ phù hợp; chi phí đầu tư công nghệ thường có số tiền lớn.

Nguồn nhân lực vận hành công nghệ cao hiện rất ít, chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Trong khi đó, thiếu chính sách hướng dẫn cụ thể, chính sách khuyến khích chưa được triển khai, đồng bộ; sự chồng chéo trong các chính sách và quy định pháp lý.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Bảo Trân, đại diện Circle K Việt Nam cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Tập trung sử dụng công nghệ để tối ưu hóa vận hành và cải thiện trải nghiệm khách hàng; phát triển bán hàng đa kênh… Tuy vậy, quá trình triển khai cũng còn khó khăn như chi phí đầu tư ban đầu cao; phức tạp trong chuỗi cung ứng và quản lý dữ liệu; quy định pháp luật và hạ tầng chưa đồng bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh hướng đến phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Để có thể thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn bên cạnh sự chủ động, quyết tâm của doanh nghiệp thì các cơ quan nhà nước cũng cần có những chính sách đồng hành cụ thể hơn.

Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn cho rằng, Chính phủ cần ban hành chính sách về chuyển đổi số; hỗ trợ xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho các doanh nghiệp bán lẻ; đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số; nghiên cứu triển khai và ứng dụng công nghệ mới; đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; hỗ trợ tài chính…

Tin cùng chuyên mục