Biển đang chết mòn vì rác thải nhựa
Theo Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới. Với khối lượng rác ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4/20 quốc gia có rác thải nhựa ra biển cao nhất. Chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân đầu người cũng gia tăng nhanh, từ 3,8kg/người/năm (năm 1990) tăng lên 54kg/người/năm vào năm 2018. Trong đó 37,43% là sản phẩm bao bì và 29,26% là đồ gia dụng.
Nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Việt Nam (IUCN) về đánh giá số lượng và khối lượng rác thải trên 30 bãi biển tại 10 khu bảo tồn của Việt Nam cũng cho thấy, qua 2 đợt khảo sát (mùa khô và mùa mưa) đã thu được hơn 86.000 mảnh rác thải các kích cỡ khác nhau. Tính trung bình trên 100m chiều dài bãi biển sẽ có lượng rác thải hơn 7.300 mảnh, tương đương 94,58kg. Trong rác thải nhựa, loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ. Số này chiếm đến 46% tổng số lượng rác thải.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia vừa được Bộ TN-MT công bố, phần lớn các chất thải từ đất liền đã tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo thông qua các cửa sông ven biển, mức độ gia tăng tại cửa sông chảy qua hoặc gần các thành phố biển. Kết quả thống kê cho thấy, có 74% lượng chất thải rắn các địa phương có biển được thu gom; lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 122-163 triệu m3/ngày; có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung ở khu vực ven biển... Hệ quả không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị mà còn tác động đến không gian của các đô thị ven biển, tác động rõ nhất là sự thay đổi cảnh quan ven biển, điển hình như các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng.
Tăng cường thu gom, tái chế
Theo Sở TN-MT TPHCM, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa. Cụ thể, thành phố đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa; không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần (chai lọ nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp…) tại công sở, hội nghị, hội thảo và các ngày lễ, ngày kỷ niệm trên địa bàn thành phố; hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu dùng một lần chuyển sang sử dụng các trang thiết bị điện tử phục vụ công tác tuyên truyền.
TPHCM cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố sẽ sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ mục đích sinh hoạt để thay thế túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời tiểu thương tại các chợ dân sinh sẽ giảm 50% sử dụng bao bì ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng. Để đạt được các mục tiêu đề ra, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người. Đồng thời thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia công tác xử lý chất thải nhựa bằng phương pháp tái chế.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết, ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Một trong những vấn đề đang thách thức nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là tình trạng “ô nhiễm trắng” - rác thải nhựa. Chính phủ đã phát động phong trào chống rác thải nhựa trên toàn quốc. Đến nay, nhận thức của người dân, của xã hội về các tác hại và giải pháp giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông, ô nhiễm từ chất thải nhựa đã được nâng cao. Nhiều sáng kiến, hành động chống rác thải nhựa, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước.
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có quy định rõ về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa thời gian tới, cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.