Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy; Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; cùng các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp
Khai mạc buổi tọa đàm, ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết, tiếp tục triển khai Quyết định số 1797/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài” giai đoạn 2020-2024”, chương trình tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiêu thụ, tham gia giới thiệu sản phẩm và phát triển các kênh phân phối, xuất khẩu hàng Việt Nam ra các nước có đông người Việt sinh sống. Qua đó, đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới.
Phát biểu gợi mở, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM, đánh giá, trong hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TPHCM đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân thành phố.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. “Trung ương và thành phố luôn nhận thức vai trò rất lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhất là người Việt Nam đang ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu, truyền thông và trực tiếp sản xuất, phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nói. Đồng chí Nguyễn Hồ Hải cũng đề nghị các sở, ngành tại TPHCM nghiên cứu và chủ động thực hiện các Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan quản lý của Việt Nam và hệ thống phân phối của kiều bào ở nước ngoài.
Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan có hình thức khen thưởng, khuyến khích kịp thời người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích trong việc giới thiệu, hỗ trợ thiết lập các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước sở tại; phát hiện, thông báo cho các cơ quan đại diện Việt Nam về những mặt hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt Nam tại nước sở tại để có biện pháp bảo vệ thương hiệu và hàng xuất xứ Việt Nam.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố tiếp tục chủ động, nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan, các hội, đoàn doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thông tin và các cơ hội xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhất là các khu vực tập trung nhiều người Việt Nam sinh sống.
Nhiều kênh hỗ trợ thiết thực
Thảo luận tại buổi tọa đàm, hầu hết đại diện doanh nghiệp lẫn chuyên gia đều nêu ra xu hướng tiêu dùng mới ở các thị trường “khó tính” của các nước phát triển và sức cạnh tranh ngày càng gay gắt của hàng hóa Việt Nam so với các nước, đặc biệt trong khu vực. Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước cần thay đổi mẫu mã hàng hóa theo hướng bao bì nhỏ gọn, tinh tế; chất lượng đảm bảo, thân thiện với môi trường mà các nước đang rất khắt khe khi thâm nhập thị trường nhằm nâng cao tính cạnh tranh, tiết giảm chi phí, nhưng cũng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.
Cam kết về việc tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, GS Nguyễn Đình Phú, Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ, cho biết, hiện tại Mỹ có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống. Đây là cơ hội lớn để hàng nội địa thâm nhập thị trường này.
Do đó, GS Nguyễn Đình Phú sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước các hoạt động xúc tiến thương mại và tạo cầu nối giữa thị trường Việt Nam và Mỹ; doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp gốc Việt tại Mỹ. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như: hội chợ, triển lãm, hội thảo… tại Mỹ; hỗ trợ thông tin về các quy định luật pháp Mỹ để tránh trở thành mục tiêu áp dụng các biện pháp phòng hộ thương mại, nhất là vấn đề nguồn gốc xuất xứ; nâng cao chất lượng sản phẩm mẫu mã, gia nhập vào chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nguyên liệu trung gian cho sản xuất công nghệ cao tại California.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Australia) cam kết hình thành những showroom trưng bày sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam tại Darwin, Sydney, Melbourne. Triển khai các chuyến “Business and Golf Tour” khởi hành hàng tháng cho các đối tượng là doanh nhân, nhà đầu tư nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư, du học cho con em và giao lưu với các doanh nhân tại Australia. “Tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố có mong muốn giới thiệu và quảng bá hàng Việt Nam tại Thái Lan. Hiện chúng tôi đã khai trương Trung tâm Triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao nhằm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt ở Thái Lan”, ông Hồ Văn Lâm (Việt kiều Thái Lan) cam kết.
Hay với Tiến sĩ Trà My (Việt kiều Trung Quốc) cho biết, sẽ hỗ trợ miễn phí để doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc và trưng bày hàng hóa ở trung tâm thương mại tại TP YanTai, Trung Quốc…
Nhiều doanh nhân còn cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh sản phẩm hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba... để người Việt Nam tại nước ngoài có cơ hội tra cứu, tiếp cận và mua hàng; huy động nguồn lực người Việt tại nước ngoài để quảng bá sản phẩm hàng hóa trong nước.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đánh giá, những ý kiến đóng góp trên hết sức quý báu để thành phố triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ một cách thiết thực nhất với mục tiêu thúc đẩy và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.
Theo đồng chí Phan Thị Thắng, việc đẩy mạnh phân phối hàng cần tập trung vào nhiều nhóm giải pháp đa dạng hóa, mở rộng hình thức, quy mô xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng ở nước ngoài. Qua đó, góp phần tăng cường liên kết nội bộ, liên kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa có giá trị, ổn định và khai mở thị trường.